Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Việc ăn hiền ở lành có mang lại một tương lai bền vững?

Việc ăn hiền ở lành có mang lại một tương lai bền vững?

Trong hàng thập kỷ, nhiều người nghĩ rằng việc ăn hiền ở lành là bí quyết để có tương lai bền vững. Chẳng hạn, những người ở Đông Phương tôn trọng điều mà nhà triết học Khổng Tử (năm 551-479 trước công nguyên) nói: “Đừng làm điều gì mà bạn không muốn người khác làm cho mình”.

MỘT ĐƯỜNG LỐI NHIỀU NGƯỜI THEO

Nhiều người vẫn tin rằng sống đạo đức là bí quyết để có tương lai bền vững. Vì thế, họ cố gắng tôn trọng người khác, tử tế, nhận biết vị trí của mình trong xã hội và gìn giữ một lương tâm trong sạch. Chị Linh sống ở Việt Nam cho biết: “Tôi luôn tin là nếu mình trung thực và thành thật thì sẽ được phước”.

Một số người làm điều tốt vì niềm tin tôn giáo của mình. Một anh tên Hsu-Yun sống ở Đài Loan cho biết: “Tôi được dạy rằng những gì một người làm lúc sống sẽ quyết định việc người ấy đạt được hạnh phúc vĩnh hằng hoặc bị hành hạ sau khi chết”.

KẾT QUẢ LÀ GÌ?

Đúng là khi làm điều tốt cho người khác, chúng ta nhận được nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nhiều người cố gắng làm điều tốt cho người khác nhận thấy làm thế không luôn mang lại điều mình mong đợi. Một chị tên Shiu Ping sống ở Hồng Kông nói: “Qua kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy rằng những người làm điều tốt không phải lúc nào cũng được phước. Tôi đã nỗ lực hết sức để chăm sóc gia đình và làm việc thiện. Nhưng hôn nhân của tôi bị đổ vỡ, chồng bỏ rơi tôi và con trai”.

Nhiều người thấy rằng tôn giáo không luôn giúp người ta trở thành người tốt hơn. Một chị sống ở Nhật Bản tên Etsuko nói: “Tôi gia nhập một tôn giáo và tổ chức các hoạt động cho người trẻ. Tuy nhiên, tôi bị sốc khi thấy những người trong tôn giáo của mình có lối sống buông tuồng, tranh giành quyền lực và dùng tiền đóng góp một cách thiếu trung thực”.

“Tôi đã nỗ lực hết sức để chăm sóc gia đình và làm việc thiện. Nhưng hôn nhân của tôi bị đổ vỡ, chồng bỏ rơi tôi và con trai”.—CHỊ SHIU PING, HỒNG KÔNG

Một số người sùng đạo cảm thấy thất vọng khi ở hiền mà không gặp lành. Chị Vân sống ở Việt Nam từng cảm thấy như thế. Chị cho biết: “Hằng ngày tôi đều mua hoa quả, bánh trái dâng lên bàn thờ gia tiên vì cho rằng đó là con đường tích đức để hưởng phước trong tương lai. Dù làm bao việc tốt và chăm chỉ cúng bái trong nhiều năm, nhưng chồng tôi vẫn mắc bệnh nặng, con gái tôi thì qua đời đột ngột ở tuổi còn trẻ khi đang đi du học”.

Nếu ăn hiền ở lành là chưa đủ để đảm bảo một tương lai bền vững, thì điều gì sẽ đảm bảo? Để giải đáp câu hỏi này, chúng ta cần một sự hướng dẫn đáng tin cậy, một nguồn thông tin có thể giải đáp những câu hỏi của mình và chỉ ra con đường dẫn đến tương lai bền vững. Chúng ta có thể tìm nơi đâu sự hướng dẫn như thế?