Đi đến nội dung

Âm phủ có thật không? Kinh Thánh nói gì về âm phủ?

Âm phủ có thật không? Kinh Thánh nói gì về âm phủ?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Nhiều bản dịch Kinh Thánh, như Bản Truyền thống, sử dụng từ “Âm-phủ” trong một số câu Kinh Thánh (Thi thiên 16:10; Công vụ 2:27). Như bức hình trong bài này, nhiều người tin rằng âm phủ hay địa ngục là nơi mà người ác bị trừng phạt trong lửa đời đời. Nhưng Kinh Thánh cho biết gì?

Trong bài này

 Có phải âm phủ là nơi thống khổ đời đời không?

 Không. Trong nguyên ngữ, các từ mà một số bản Kinh Thánh dịch là “âm phủ” (Hê-bơ-rơ: “Sê-ôn”; Hy Lạp: “Ha-đe”) có nghĩa cơ bản là “mồ mả”, tức mồ mả chung của nhân loại. Kinh Thánh cho biết những người ở trong “mồ mả” thì không hiện hữu.

  •   Người chết không còn ý thức nên không cảm thấy đau đớn. ‘Kẻ chết chẳng biết chi hết. Vì dưới Âm-phủ, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế cũng chẳng có tri thức hay là sự khôn-ngoan’ (Truyền đạo 9:5, 10, BTT). Âm phủ không phải là nơi toàn tiếng la hét đau đớn. Thay vì thế, Kinh Thánh cho biết: “Nguyền xin cho kẻ ác bị sỉ nhục và nằm lặng thinh nơi mồ mả [“Âm-phủ”, BTT]”.—Thi thiên 31:17, Bản Phổ thông; Thi thiên 115:17.

  •   Hình phạt mà Đức Chúa Trời đặt ra cho tội lỗi là sự chết, chứ không phải sự hành hạ trong lửa địa ngục. Đức Chúa Trời nói với người đàn ông đầu tiên là A-đam rằng nếu vi phạm luật pháp của ngài thì ông sẽ chịu hình phạt là sự chết (Sáng thế 2:17). Ngài không nói bất cứ điều gì về việc hành hạ đời đời trong địa ngục. Sau khi A-đam phạm tội, Đức Chúa Trời cho ông biết về hình phạt: “Con là bụi đất, con sẽ trở về bụi đất” (Sáng thế 3:19). Ông sẽ không còn hiện hữu nữa. Nếu Đức Chúa Trời thật sự đày A-đam xuống địa ngục thì chắc chắn ngài đã đề cập đến. Kể từ đó, Đức Chúa Trời không thay đổi hình phạt cho những ai vi phạm luật pháp của ngài. Rất lâu sau khi A-đam phạm tội, Đức Chúa Trời soi dẫn để một người viết Kinh Thánh nói: “Tiền công mà tội lỗi trả là sự chết” (Rô-ma 6:23). Không cần phải có hình phạt nào khác vì “ai đã chết thì được xóa tội”.​—Rô-ma 6:7.

  •   Đức Chúa Trời ghê tởm ý tưởng về sự hành hạ đời đời (Giê-rê-mi 32:35). Ý tưởng đó đi ngược lại với điều Kinh Thánh dạy: “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1 Giăng 4:8). Ngài muốn chúng ta thờ phượng ngài vì yêu thương chứ không phải vì sợ bị hành hạ đời đời.—Ma-thi-ơ 22:36-38.

  •   Người tốt cũng xuống âm phủ. Các bản Kinh Thánh dùng từ “âm phủ” cũng dùng từ này để chỉ nơi mà những người trung thành, chẳng hạn Gia-cốp và Gióp, đi đến sau khi chết (Sáng thế 37:35; Gióp 14:13). Ngay cả Chúa Giê-su Ki-tô cũng được đề cập là ở dưới âm phủ từ khi chết đến khi được sống lại (Công vụ 2:31, 32). Rõ ràng, trong các bản Kinh Thánh ấy, từ “âm phủ” chỉ đơn thuần nói đến mồ mả. a

 Ngụ ngôn của Chúa Giê-su về người giàu và La-xa-rơ có nghĩa gì?

 Ngụ ngôn này của Chúa Giê-su được ghi lại nơi Lu-ca 16:19-31. Ngụ ngôn này dạy chúng ta về quan điểm của Đức Chúa Trời và những bài học về đạo đức. Ngụ ngôn về người giàu và La-xa-rơ không phải là câu chuyện có thật (Ma-thi-ơ 13:34). Để biết thêm về ngụ ngôn này, xin xem bài “Người giàu và La-xa-rơ là ai?”.

 Có phải âm phủ tượng trưng cho sự xa cách với Đức Chúa Trời không?

 Không. Việc người chết ý thức rằng mình xa cách với Đức Chúa Trời là giáo lý trái với Kinh Thánh, vì Kinh Thánh dạy rõ ràng là người chết không còn ý thức gì nữa.—Thi thiên 146:3, 4; Truyền đạo 9:5.

 Có ai được giải thoát khỏi âm phủ chưa?

 Rồi. Kinh Thánh tường thuật chi tiết về việc chín người đã ở trong mồ (được dịch là “âm phủ” trong một số bản Kinh Thánh) và được làm cho sống lại. b Nếu như họ ý thức về những điều xảy ra trong âm phủ thì họ sẽ kể lại cho người khác biết khi được sống lại. Nhưng điều thú vị là không ai trong chín người đó kể bất cứ điều gì về việc bị hành hạ hay những trải nghiệm khác. Tại sao? Vì Kinh Thánh dạy một cách nhất quán là họ không còn ý thức gì hết, như thể đang “ngủ” sâu.—Giăng 11:11-14; 1 Cô-rinh-tô 15:3-6.