Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Làm sao đối phó với vấn đề sức khỏe? (Phần 3)

Làm sao đối phó với vấn đề sức khỏe? (Phần 3)

 Độ tuổi thanh thiếu niên thường được liên kết với một sức khỏe sung mãn và năng lượng dường như vô tận. Tuy nhiên, một số người trẻ bị giới hạn bởi căn bệnh nghiêm trọng. Đó có phải là trường hợp của bạn không? Nếu thế, bạn có thể được khích lệ qua kinh nghiệm của ba Nhân Chứng là V’loria, Justin và Nisa. Hãy xem làm thế nào họ có thể đối phó với vấn đề sức khỏe.

 V’loria

 Tôi bị bệnh đau cơ xơ hóa từ khi 14 tuổi. Đến khi 20 tuổi, tôi còn bị mắc chứng viêm khớp, bệnh lupus và Lyme. Khi luôn cảm thấy mệt mỏi thì thật khó để làm những gì mình muốn. Có những lần, tôi bị liệt từ hông trở xuống và phải ngồi xe lăn.

 Tồi tệ hơn tình trạng về thể chất của tôi là sự dằn vặt về tinh thần khi tôi không thể làm những việc đơn giản, như viết hoặc mở một cái bình. Khi thấy những đứa trẻ khác đi lại, tôi thắc mắc tại sao lại khó cho mình làm điều đó như vậy. Tôi cảm thấy mình là kẻ thất bại.

 Tuy nhiên, tôi rất vui vì có sự trợ giúp từ những thành viên trong gia đình và hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va mà tôi kết hợp. Những thành viên trong hội thánh thường tới thăm tôi, nhờ thế tôi cảm thấy bớt lẻ loi. Một số anh chị mời tôi tham gia vào các hoạt động, dù không dễ để tôi ra khỏi chiếc xe lăn và ra vào xe hơi.

 Những anh chị lớn tuổi trong hội thánh đặc biệt khích lệ tôi vì họ biết cảm giác thế nào khi có vấn đề về sức khỏe. Họ giúp tôi chấp nhận các giới hạn của mình và không thấy mặc cảm vì mình không thể làm nhiều điều như người khác. Tham dự các buổi nhóm họp và đi thánh chức là thời gian mà tôi vui vẻ nhất (Hê-bơ-rơ 10:25). Vào những dịp như thế, tôi nhận thấy dù mình bị bệnh nhưng tôi thật sự không quá khác biệt so với những người khác.

 Tôi nhớ là Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta điều mình cần để chịu đựng. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói rằng dù bề ngoài ngày càng suy yếu nhưng con người bề trong được “thêm sức mỗi ngày” (2 Cô-rinh-tô 4:16). Tôi thật sự cảm thấy như thế!

 Hãy thử nghĩ: Nếu bạn bị mắc bệnh nặng, tại sao điều quan trọng là tìm sự giúp đỡ của người khác? Nếu bạn khỏe mạnh, làm sao bạn có thể hỗ trợ những người có vấn đề sức khỏe?​—Châm-ngôn 17:17.

 Justin

 Tôi ngã xuống sàn và không thể đứng dậy. Tôi cảm thấy khó chịu ở ngực và không thể cử động. Tôi được đưa ngay đi cấp cứu. Lúc đầu, bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân vì sao tôi bị như vậy. Nhưng sau khi triệu chứng này lặp lại nhiều lần thì họ chẩn đoán là tôi bị mắc bệnh Lyme.

 Bệnh Lyme ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thần kinh của tôi. Thực tế thì tôi vẫn còn run, đôi khi không thể kiểm soát được, dù vài năm đã trôi qua kể từ khi tôi bị chẩn đoán mắc bệnh này. Có những ngày cơ thể hoặc những ngón tay của tôi đau nhức đến mức không thể cử động được. Như thể là các khớp của tôi đều bị gỉ sét.

 Tôi từng nghĩ: “Mình trẻ thế này mà đã mắc bệnh”, và điều đó làm tôi tức giận. Tôi kêu cầu Đức Chúa Trời mỗi ngày và hỏi ngài “Tại sao điều này xảy ra với con?”. Thậm chí tôi bắt đầu cảm thấy Đức Chúa Trời đã bỏ rơi mình. Nhưng sau đó, tôi nghĩ về trường hợp của Gióp trong Kinh Thánh. Gióp không hiểu rõ tại sao ông phải đối mặt với quá nhiều thử thách, nhưng ông vẫn giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Nếu Gióp có thể làm thế dù đương đầu với những vấn đề to lớn thì tôi cũng có thể làm được.

 Tôi được các trưởng lão trong hội thánh hỗ trợ rất nhiều. Họ luôn hỏi thăm tôi và hỏi tôi cảm thấy thế nào. Một trưởng lão nói rằng tôi có thể gọi cho anh ấy bất cứ khi nào tôi cần và bất cứ giờ nào. Tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va mỗi ngày vì có những người bạn như thế.​—Ê-sai 32:1, 2.

 Khi bị bệnh nặng, đôi khi chúng ta quên một điều hiển nhiên là Đức Giê-hô-va biết chúng ta đang cảm thấy thế nào. Kinh Thánh nói: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi” (Thi-thiên 55:22). Đó là điều mà tôi cố gắng làm mỗi ngày.

 Hãy thử nghĩ: Những sự trợ giúp có thể giúp bạn chịu đựng vấn đề sức khỏe như thế nào?​—Châm-ngôn 24:10; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11.

 Nisa

 Khi ở độ tuổi thanh thiếu niên, tôi bị chẩn đoán mắc hội chứng Marfan, một căn bệnh ảnh hưởng đến các khớp, khiến các khớp yếu đi. Bệnh này có thể cũng ảnh hưởng đến tim, mắt và các bộ phận quan trọng khác. Tôi không đau mỗi ngày, nhưng khi đau thì rất dữ dội.

 Lúc biết tin mình mắc bệnh, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi lo là mình không thể làm mọi điều mình thích. Chẳng hạn, tôi thích khiêu vũ. Tôi nghĩ là vào một ngày nào đó tôi quá đau và không thể nhảy được. Có lẽ còn đau đến mức tôi không thể đi lại. Điều này khiến tôi sợ hãi khi nhìn về tương lai.

 Chị gái của tôi đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Chị giúp tôi vượt qua cảm giác thương hại bản thân. Chị nói với tôi rằng tôi không nên sống trong sợ hãi vì điều đó sẽ bóp nghẹt cuộc sống của tôi. Chị cũng khuyến khích tôi kiên trì cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, vì ngài biết và hiểu rõ nhất về tình trạng của tôi.​—1 Phi-e-rơ 5:7.

 Một câu Kinh Thánh đã thật sự khích lệ tôi là Thi-thiên 18:6. Câu này nói: “Trong cơn gian-truân tôi cầu-khẩn Đức Giê-hô-va, tôi kêu-cầu Đức Chúa Trời tôi: Tại đền Ngài, Ngài nghe tiếng tôi, và tiếng kêu-cầu của tôi thấu đến tai Ngài”. Câu này đã giúp tôi nhận ra rằng khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và xin ngài giúp mình đối phó với vấn đề thì ngài sẽ nghe và giúp tôi. Ngài luôn ở bên tôi.

 Tôi học được rằng không có gì sai khi cảm thấy buồn, thậm chí bực bội về bi kịch mà mình đang đương đầu vì những cảm xúc này là bình thường, miễn là chúng ta đừng để cho chúng bóp nghẹt cuộc sống của mình và ảnh hưởng đến tình bạn với Đức Chúa Trời. Ngài không gây ra vấn đề của chúng ta, và ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta nếu chúng ta đặt ngài lên hàng đầu trong đời sống.​—Gia-cơ 4:8.

 Hãy thử nghĩ: Đức Chúa Trời có chịu trách nhiệm về những đau khổ mà chúng ta phải chịu không?​—Gia-cơ 1:13.