Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Mình phải làm sao khi mắc lỗi?

Mình phải làm sao khi mắc lỗi?

 Bạn sẽ làm gì?

 Hãy đọc tình huống dưới đây và tưởng tượng mình là Karina. Bạn sẽ làm gì trong trường hợp đó?

 Karina: “Trên đường đến trường, mình lái xe quá tốc độ nên bị cảnh sát gọi lại và phạt. Mình rất buồn! Mình kể cho mẹ và mẹ bảo mình phải nói với ba. Mình không muốn thế chút nào”.

  Bạn sẽ làm gì?

  1.  Lựa chọn A: Giữ im lặng, hy vọng rằng ba sẽ không phát hiện ra.

  2.  Lựa chọn B: Nói cho ba biết sự thật.

 Có lẽ bạn muốn chọn Lựa chọn A. Suy cho cùng, có thể mẹ sẽ tưởng rằng bạn đã thú tội với ba. Nhưng có những lý do bạn nên thú nhận lỗi lầm, dù sự việc liên quan đến vi phạm giao thông hay bất cứ việc nào khác.

 Ba lý do nên nhận lỗi

  1.  1. Vì đó là điều đúng. Về tiêu chuẩn dành cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô, Kinh Thánh nói: ‘Chúng tôi muốn sống lương thiện trong mọi việc’.​—Hê-bơ-rơ 13:18.

     “Mình đã phải nỗ lực rất nhiều để trung thực, chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân và nhận lỗi ngay sau khi phạm lỗi”.​—Alexis.

  2.  2. Vì người khác thường dễ tha thứ hơn cho người nhận lỗi. Kinh Thánh nói: “Người nào giấu tội-lỗi mình sẽ không được may-mắn; nhưng ai xưng nó ra và lìa-bỏ nó sẽ được thương-xót”.​—Châm-ngôn 28:13.

     “Nhận lỗi đòi hỏi sự can đảm, nhưng đó là cách để xây dựng lòng tin nơi người khác. Họ thấy được bạn là người thành thật. Khi nhận lỗi, bạn biến một điều xấu thành điều tốt”.​—Richard.

  3.  3. Quan trọng nhất, vì điều đó làm Giê-hô-va Đức Chúa Trời đẹp lòng. Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va gớm-ghiếc kẻ gian-tà [“lươn lẹo”, Bản Phổ thông]; nhưng kết tình bậu-bạn cùng người ngay-thẳng”.​—Châm-ngôn 3:32.

     “Sau khi mắc một lỗi lầm nghiêm trọng, mình nhận ra là phải thú tội. Không có cách nào để nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va nếu mình không làm theo ý ngài”.​—Rachel.

 Còn Karina đã làm gì? Bạn ấy tìm cách giấu ba việc bị phạt vì đi quá tốc độ. Nhưng kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Karina kể: “Khoảng một năm sau, khi xem bản sao kê tiền bảo hiểm, ba phát hiện ra khoản tiền mà mình bị phạt vì lái xe quá tốc độ. Mình rơi vào một mớ bòng bong! Cả mẹ cũng giận vì mình đã không làm theo lời mẹ”.

 Bài học: Karina thừa nhận: “Giấu tội chỉ khiến cho vấn đề trầm trọng thêm. Không sớm thì muộn bạn vẫn phải trả giá!”.

 Cách rút ra bài học từ lỗi lầm

 Ai cũng có lúc mắc lỗi lầm (Rô-ma 3:23; 1 Giăng 1:8). Như đã xem xét ở trên, nhận lỗi ngay là dấu hiệu của tính khiêm nhường và sự chín chắn.

 Bước tiếp theo là rút ra bài học từ lỗi lầm. Đáng tiếc là một số bạn trẻ lại bỏ lỡ cơ hội này! Có thể họ có cảm xúc như bạn Priscilla từng có trước đây. Bạn ấy kể: “Mình từng rất nản lòng về lỗi lầm của bản thân. Mình tự hạ thấp bản thân, vì vậy các lỗi lầm như thể những gánh nặng khổng lồ mà mình không thể mang nổi. Mình suy sụp tinh thần và nghĩ là đã hết thuốc chữa”.

 Đôi khi bạn có cảm thấy như thế không? Nếu có, hãy nhớ rằng: Việc quá bận tâm đến những lỗi lầm trong quá khứ giống như việc nhìn chăm chăm vào gương chiếu hậu trong khi lái xe. Tập trung vào quá khứ chỉ khiến bạn có cảm giác mình vô giá trị và bất lực trước những thử thách trước mắt.

 Thay vì vậy, sao không có cái nhìn thăng bằng hơn?

 “Hãy nhìn lại lỗi lầm và rút ra bài học để tránh tái phạm. Nhưng đừng quá để tâm tới chúng đến mức cảm thấy nhụt chí”.​—Elliot.

 “Mình cố gắng xem các lỗi lầm là những bài học để hoàn thiện bản thân và biết cách xử lý tình huống tốt hơn trong lần tới. Có quan điểm như thế rất hữu ích vì nó giúp bạn trưởng thành”.​—Vera.