Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Làm thế nào để mình rèn luyện lương tâm?

Làm thế nào để mình rèn luyện lương tâm?

 Lương tâm có thể được ví như điều gì sau đây?

  •   la bàn

  •   cái gương

  •   người bạn

  •   quan tòa

 Câu trả lời đúng là cả bốn điều trên. Bài này sẽ cho biết tại sao.

 Lương tâm là gì?

 Lương tâm là khả năng nhận thức điều đúng và điều sai. Kinh Thánh nói lương tâm giống như “luật pháp được viết trong lòng” (Rô-ma 2:15). Một lương tâm tốt giúp bạn đánh giá được những điều mình sẽ làm hoặc những điều mình đã làm.

  •   Lương tâm của bạn giống như la bàn. Lương tâm hướng dẫn bạn đi đúng đường và tránh được vấn đề.

  •   Lương tâm của bạn giống như cái gương. Lương tâm phản ánh tình trạng đạo đức và cho biết con người bề trong của bạn.

  •   Lương tâm của bạn giống như người bạn tốt. Lương tâm có thể cho bạn lời khuyên tốt và giúp bạn được thành công—nếu bạn chịu lắng nghe.

  •   Lương tâm của bạn giống như quan tòa. Lương tâm sẽ kết án khi bạn làm điều sai.

Một lương tâm tốt có thể giúp bạn quyết định khôn ngoan

 Chốt lại vấn đề: Lương tâm là một công cụ quan trọng giúp bạn (1) đưa ra quyết định khôn ngoan và (2) sửa chữa lỗi lầm.

 Tại sao rèn luyện lương tâm?

 Kinh Thánh khuyên chúng ta “gìn giữ một lương tâm tốt” (1 Phi-e-rơ 3:16). Nếu bạn không rèn luyện lương tâm thì sẽ khó làm điều đó.

 “Mình nói dối ba mẹ về những chỗ mình đã đi và không để họ phát hiện. Lúc đầu, lương tâm khiến mình thấy áy náy nhưng dần dần mình thấy làm vậy cũng không có gì nghiêm trọng”.—Jennifer.

 Cuối cùng, lương tâm của Jennifer thôi thúc bạn ấy nói cho ba mẹ biết sự thật và bạn ấy không dối gạt họ nữa.

 Hãy thử nghĩ: Lương tâm của Jennifer đã có thể lên tiếng cảnh báo sớm hơn từ lúc nào?

 “Sống hai mặt cũng rất khó và căng thẳng. Một khi lương tâm đã cho phép bạn làm điều sai một lần thì những lần sau sẽ càng dễ làm điều sai hơn nữa”.—Matthew.

 Một số người hoàn toàn lờ đi tiếng nói lương tâm. Kinh Thánh nói họ “không còn nhận biết luân thường đạo lý” (Ê-phê-sô 4:19). Bản Đặng Ngọc Báu dịch câu này là: “Họ không còn biết xấu hổ là gì”.

 Hãy thử nghĩ: Những người không cảm thấy tội lỗi khi làm điều sai có thật sự sống thoải mái hơn không? Sớm muộn gì họ cũng gặp phải vấn đề nào?

 Chốt lại vấn đề: Để gìn giữ một lương tâm tốt, bạn cần ‘rèn luyện khả năng nhận thức để phân biệt điều đúng, điều sai’.—Hê-bơ-rơ 5:14.

 Làm thế nào để rèn luyện lương tâm?

 Để rèn luyện lương tâm, bạn cần một tiêu chuẩn để so sánh với hành động của mình. Một số người sống theo tiêu chuẩn của:

  •   gia đình và văn hóa

  •   bạn đồng trang lứa

  •   nghệ sĩ nổi tiếng

 Dù vậy, tiêu chuẩn sống được tìm thấy trong Kinh Thánh mới là vượt trội. Điều này không ngạc nhiên gì vì Kinh Thánh “được Đức Chúa Trời soi dẫn”, ngài là đấng tạo ra chúng ta và biết điều gì tốt nhất cho chúng ta.—2 Ti-mô-thê 3:16.

 Hãy xem vài ví dụ.

 TIÊU CHUẨN: “Vì chúng tôi... muốn sống lương thiện trong mọi việc”.—Hê-bơ-rơ 13:18.

  •   Tiêu chuẩn này tác động ra sao đến lương tâm của bạn khi bạn bị cám dỗ gian lận trong thi cử, nói dối ba mẹ hoặc ăn cắp?

  •   Nếu lương tâm thôi thúc bạn luôn lương thiện trong mọi việc thì bạn nghĩ điều đó có thể mang lại lợi ích nào cho bạn ngay bây giờ và trong tương lai?

 TIÊU CHUẨN: “Hãy chạy trốn sự gian dâm”.—1 Cô-rinh-tô 6:18.

  •   Tiêu chuẩn này tác động ra sao đến lương tâm của bạn khi bạn bị cám dỗ xem tài liệu khiêu dâm hoặc quan hệ tình dục trước hôn nhân?

  •   Nếu lương tâm thôi thúc bạn chạy trốn sự gian dâm thì điều đó mang lại lợi ích nào cho bạn ngay bây giờ và trong tương lai?

 TIÊU CHUẨN: “Hãy nhân từ với nhau, có lòng trắc ẩn dịu dàng, rộng lòng tha thứ nhau”.—Ê-phê-sô 4:32.

  •   Tiêu chuẩn này ảnh hưởng thế nào đến bạn khi nảy sinh bất đồng với anh chị em trong gia đình hoặc với bạn bè?

  •   Nếu lương tâm thôi thúc bạn tha thứ và có lòng trắc ẩn thì điều đó mang lại lợi ích nào cho bạn ngay bây giờ và trong tương lai?

 TIÊU CHUẨN: “Đức Giê-hô-va... ghét kẻ nào yêu sự hung bạo”.—Thi thiên 11:5.

  •   Tiêu chuẩn này ảnh hưởng thế nào đến quyết định của bạn khi chọn phim ảnh, chương trình ti-vi và trò chơi điện tử?

  •   Nếu lương tâm thôi thúc bạn không xem những chương trình giải trí bạo lực thì điều đó mang lại lợi ích nào cho bạn ngay bây giờ và trong tương lai?

 CHUYỆN CÓ THẬT: “Mấy bạn của mình chơi trò chơi điện tử bạo lực và mình cũng chơi. Rồi ba nói mình không được chơi những trò đó nữa. Vậy nên mình chỉ chơi khi qua nhà bạn. Khi về nhà thì mình không nói gì hết. Ba hỏi mình có sao không thì mình bảo vẫn ổn. Ngày nọ, mình đọc Thi thiên 11:5 và bắt đầu cảm thấy cắn rứt về những chuyện mình đang làm. Mình nhận ra là mình cần ngưng chơi những trò chơi điện tử đó. Và mình đã làm vậy. Nhìn thấy gương của mình thì một bạn khác trong nhóm cũng được thúc đẩy để ngưng chơi các trò chơi điện tử bạo lực”.—Jeremy.

 Hãy thử nghĩ: Lương tâm của Jeremy đã bắt đầu hoạt động từ khi nào, nhưng đến khi nào thì bạn ấy mới lắng nghe lương tâm? Bạn học được gì từ câu chuyện của Jeremy?

 Chốt lại vấn đề: Lương tâm cho biết bạn là người như thế nào và bạn xem điều gì là quan trọng. Lương tâm của bạn cho biết gì về bạn?