Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

VƯỢT QUA NỖI ĐAU MẤT NGƯỜI THÂN

Vượt qua nỗi đau​—Điều nên làm lúc này

Vượt qua nỗi đau​—Điều nên làm lúc này

Bạn có thể tìm thấy vô vàn lời khuyên để đối phó với nỗi đau mất người thân, nhưng không phải lời khuyên nào cũng giúp ích. Có lẽ đó là vì cách vượt qua nỗi đau của mỗi người mỗi khác, như được đề cập trong bài trước. Lời khuyên phù hợp với người này chưa chắc phù hợp với người khác.

Dù vậy, có một số chỉ dẫn cơ bản mà nhiều người đã áp dụng được. Những chỉ dẫn ấy được các chuyên gia tâm lý đưa ra, và cũng phản ánh các nguyên tắc vượt thời gian trong cuốn sách cổ là Kinh Thánh, một kho tàng của sự khôn ngoan. Mời bạn tham khảo.

1: CHẤP NHẬN SỰ GIÚP ĐỠ CỦA GIA ĐÌNH VÀ BẠN BÈ

  • Một số chuyên gia cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất để vượt qua nỗi đau. Dĩ nhiên, sẽ có lúc bạn chỉ muốn ở một mình, thậm chí khó chịu với những người muốn giúp mình. Điều này là bình thường.

  • Đừng nghĩ mình phải luôn ở cùng người khác, nhưng cũng đừng xa lánh mọi người. Sau này, họ sẽ là chỗ dựa mà bạn cần. Hãy tử tế cho họ biết bạn cần gì và không cần gì vào lúc này.

  • Cân bằng giữa thời gian ở một mình và thời gian ở cùng người khác tùy theo nhu cầu của bạn.

NGUYÊN TẮC: “Hai người hơn một... Nếu người này ngã, người kia có thể đỡ bạn mình dậy”.—Truyền đạo 4:9, 10.

2: ĂN UỐNG ĐIỀU ĐỘ VÀ TẬP THỂ DỤC

  • Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm những căng thẳng do nỗi đau gây ra.Cố gắng ăn nhiều loại trái cây, rau củ và chất đạm ít béo.

  • Uống nhiều nước và những thức uống bổ dưỡng khác.

  • Nếu chán ăn, hãy ăn mỗi bữa một ít và ăn nhiều bữa hơn. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc bổ và thực phẩm bổ sung. *

  • Đi bộ nhanh và những môn thể dục khác có thể giúp tâm trạng khuây khỏa. Tập thể dục có thể cho bạn một khoảng thời gian để thương nhớ người thân hoặc ngược lại, tạm thời quên đi nỗi buồn.

NGUYÊN TẮC: “Chẳng ai ghét chính thân mình, nhưng lo nuôi dưỡng và chăm sóc”.—Ê-phê-sô 5:29, Bản Diễn Ý.

3: NGỦ ĐẦY ĐỦ

  • Giấc ngủ luôn luôn quan trọng, và càng quan trọng hơn đối với những ai mất người thân vì sự đau buồn có thể khiến cơ thể kiệt sức.

  • Tránh uống nhiều cà phê và rượu bia vì có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

NGUYÊN TẮC: “Thà một nắm tay đầy sự nghỉ ngơi còn hơn hai nắm tay đầy việc khó nhọc và đuổi theo luồng gió”.—Truyền đạo 4:6.

4: ĐIỀU CHỈNH THEO NHU CẦU

  • Nhận thức rằng cách vượt qua nỗi đau của mỗi người mỗi khác. Bạn cần tìm ra cách tốt nhất cho mình.

  • Nhiều người thấy nhẹ nhõm hơn khi giãi bày cảm xúc, số khác thì giữ kín trong lòng. Việc giãi bày cảm xúc có cần thiết để vượt qua nỗi đau hay không là đề tài vẫn đang được bàn luận trong giới chuyên môn. Nếu cần tâm sự nhưng còn ngần ngại thì hãy bắt đầu bằng cách nói ra vài cảm nghĩ với một bạn thân.

  • Có người thấy lòng nhẹ hơn khi khóc, có người thì không cần khóc nhiều.

NGUYÊN TẮC: “Nỗi cay đắng của lòng, chỉ riêng lòng mình biết rõ”.—Châm ngôn 14:10.

5: TRÁNH THÓI QUEN TAI HẠI

  • Một số người tìm đến rượu bia, chất gây nghiện hoặc lạm dụng thuốc men để thoát khỏi nỗi buồn. Thật ra, những “lối thoát” đó sẽ đưa bạn vào ngõ cụt. Chúng chỉ giúp bạn khuây khỏa trong chốc lát nhưng lại gây ra hậu quả khôn lường về lâu dài. Hãy tìm những cách không có hại để giải tỏa nỗi buồn.

NGUYÊN TẮC: “Hãy tẩy sạch mình khỏi mọi sự ô uế về thể xác lẫn tinh thần”.—2 Cô-rinh-tô 7:1.

6: KIỂM SOÁT THỜI GIAN

  • Nhiều người thấy trong khoảng thời gian đau buồn (là khoảng thời gian đương đầu với cảm xúc), nên có những khoảng thời gian tạm thời quên đi nỗi đau (là khoảng thời gian tham gia những hoạt động giúp tập trung vào việc khác).

  • Bạn có thể tạm thời quên đi nỗi buồn bằng cách dành thời gian để kết bạn hoặc thắt chặt tình bạn, học một kỹ năng mới hoặc giải trí.

  • Dần dần, bạn sẽ thấy khoảng thời gian đau buồn rút ngắn lại, còn khoảng thời gian quên đi nỗi đau thì dài ra và nhiều hơn. Đây là diễn tiến tự nhiên của quá trình vượt qua nỗi đau.

NGUYÊN TẮC: “Mọi việc đều có kỳ định... Có kỳ khóc lóc, có kỳ vui cười; có kỳ than van, có kỳ nhảy múa”.—Truyền đạo 3:1, 4.

7: TRỞ LẠI VỚI ĐỜI SỐNG BÌNH THƯỜNG

  • Trở lại với nếp sống thường nhật càng sớm càng tốt.

  • Giữ nề nếp trong các sinh hoạt hằng ngày như ngủ và làm việc, để có cảm giác “trở lại bình thường”.

  • Làm nhiều việc bổ ích để bận rộn và quên đi nỗi đau.

NGUYÊN TẮC: “Người ấy hầu như sẽ không để ý đến ngày tháng trôi qua trong đời mình, vì Đức Chúa Trời [Thượng Đế] cho người đắm chìm trong niềm vui của lòng”.—Truyền đạo 5:20.

8: ĐỪNG VỘI QUYẾT ĐỊNH CHUYỆN QUAN TRỌNG

  • Nhiều người quyết định những chuyện quan trọng không lâu sau khi mất người thân và đã phải hối tiếc.

  • Nếu được, hãy đợi một thời gian trước khi quyết định chuyển nhà, đổi việc hoặc bỏ đồ đạc của người thân yêu.

NGUYÊN TẮC: “Kế hoạch người cần mẫn hẳn dẫn tới thành công, nhưng mọi kẻ hấp tấp ắt đi đến đói nghèo”.—Châm ngôn 21:5.

9: NHỚ VỀ NGƯỜI THÂN YÊU

  • Nhiều người thấy khuây khỏa khi làm những việc giúp họ nhớ về người quá cố.

  • Có thể bạn sẽ vơi bớt nỗi buồn khi thu thập ảnh và vật kỷ niệm, hoặc làm sổ lưu niệm ghi lại những khoảnh khắc và câu chuyện đáng nhớ.

  • Lưu giữ những kỷ vật gợi lại ký ức đẹp để sau này lấy ra xem, khi đã sẵn sàng.

NGUYÊN TẮC: “Hãy nhớ lại những ngày xưa tháng cũ”.—Phục truyền luật lệ 32:7, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

10: ĐI ĐÂU ĐÓ ĐỂ KHUÂY KHỎA

  • Sắp xếp đi nghỉ ở đâu đó.

  • Nếu không thể đi lâu, hãy dành một hoặc hai ngày để làm điều mình thích, chẳng hạn như đi bộ trên núi hay trong rừng, tham quan viện bảo tàng hoặc lái xe đi xa.

  • Chỉ thay đổi sinh hoạt một chút cũng giúp bạn vơi bớt nỗi buồn.

NGUYÊN TẮC: “Hãy đi riêng đến nơi hẻo lánh để nghỉ ngơi một chút”.—Mác 6:31.

11: GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC

  • Hãy nhớ rằng khi dành thời gian giúp người khác là bạn đang giúp chính mình.

  • Trước tiên, hãy giúp những người cũng đau buồn vì người thân của bạn đã ra đi. Đó có thể là người nhà hoặc bạn bè cần ai đó để chia sớt nỗi buồn.

  • Khi bạn đang mất phương hướng, việc giúp đỡ và an ủi người khác có thể giúp bạn tìm lại niềm vui và ý nghĩa cho đời sống.

NGUYÊN TẮC: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận”.—Công vụ 20:35.

12: XEM LẠI MỤC TIÊU TRONG ĐỜI SỐNG

  • Thời gian đau buồn là cơ hội để nhận ra điều gì thật sự quan trọng trong đời sống.

  • Dành thời gian này để xem lại cách bạn dùng đời sống.

  • Điều chỉnh mục tiêu và thứ tự ưu tiên, nếu cần.

NGUYÊN TẮC: “Đến nhà có tang hơn đến nhà có tiệc, bởi đó là kết cuộc của mọi người, và người sống nên để vào lòng”.—Truyền đạo 7:2.

Trên thực tế, nỗi mất mát của bạn không thể khỏa lấp hoàn toàn. Dù vậy, có nhiều người đau buồn đã gượng dậy được nhờ làm theo các lời khuyên thực tế, như những chỉ dẫn trong bài này. Dĩ nhiên, bài này không thể liệt kê mọi cách giúp xoa dịu nỗi đau. Nhưng hãy thử áp dụng một số trong những cách trên, rồi nỗi đau trong lòng bạn sẽ lắng dịu.

^ đ. 13 Tỉnh Thức! không khuyến khích phương cách điều trị nào.