Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

QUAN ĐIỂM KINH THÁNH

Lo lắng

Lo lắng

Lo lắng vừa có lợi vừa có hại. Kinh Thánh giúp chúng ta nhận ra cả hai mặt này.

Có phải lo lắng là điều bình thường không?

THỰC TẾ:

Lo lắng là cảm giác khó chịu, bồn chồn hoặc lo âu. Vì đang sống trong một thế giới đầy bất ổn nên sự lo lắng có thể bủa vây bất kỳ ai trong chúng ta.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

Vua Đa-vít viết: “Tôi phải lo-lắng nơi linh-hồn tôi, hằng ngày buồn-thảm nơi lòng tôi cho đến bao giờ?” (Thi-thiên 13:2). Điều gì đã giúp Đa-vít đương đầu với nỗi lo âu? Qua lời cầu nguyện, ông dốc đổ lòng mình cho Đức Chúa Trời. Ông hoàn toàn tin cậy nơi tình yêu thương trung tín của ngài (Thi-thiên 13:5; 62:8). Quả thật, Đức Chúa Trời mời gọi chúng ta hãy trao gánh nặng cho ngài. Câu Kinh Thánh 1 Phi-e-rơ 5:7 nói: “Hãy trao hết mọi lo lắng cho [Đức Chúa Trời], vì ngài quan tâm đến anh em”.

Chăm sóc người thân yêu có thể giúp chúng ta xua tan nỗi lo âu về họ

Ngoài ra, có những điều chúng ta có thể làm để kiểm soát lo lắng. Chẳng hạn, khi người viết Kinh Thánh là Phao-lô cảm thấy “lo lắng về hết thảy các hội thánh”, ông đã cố gắng an ủi và khích lệ những ai mà ông thấy không an tâm về họ (2 Cô-rinh-tô 11:28). Trong trường hợp này, nỗi lo lắng của ông là điều có lợi, vì thôi thúc ông dang tay giúp đỡ người khác. Đối với chúng ta, sự lo lắng cũng thôi thúc mình giúp đỡ người khác. Ngược lại, thái độ hờ hững hoặc thờ ơ là dấu hiệu của việc thiếu quan tâm.—Châm-ngôn 17:17.

“Đừng chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, mà cũng quan tâm đến lợi ích của người khác nữa”.Phi-líp 2:4.

Nếu quá lo lắng, bạn có thể làm gì?

THỰC TẾ:

Có lẽ nhiều người lo lắng về hành vi sai trái trong quá khứ, về tương lai hoặc tiền bạc. *

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

Lo lắng về hành vi sai trái trong quá khứ: Trước khi trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, một số người vào thế kỷ thứ nhất từng say sưa, tống tiền, gian dâm và trộm cắp (1 Cô-rinh-tô 6:9-11). Nhưng thay vì cứ day dứt mãi về quá khứ, họ đã thay đổi cách sống và tin cậy nơi lòng thương xót bao la của Đức Chúa Trời. Ngài là đấng rộng lòng tha thứ. Thi-thiên 130:4 nói: “Chúa có lòng tha-thứ cho”.

Lo lắng về tương lai: Chúa Giê-su nói: “Chớ lo lắng về ngày mai, vì ngày mai có điều lo lắng của ngày mai” (Ma-thi-ơ 6:25, 34). Ý của ngài là gì? Chỉ nên chú tâm vào những vấn đề mình đang gặp. Không nên chồng chất nỗi lo âu của ngày hôm sau sang ngày hôm nay. Điều này sẽ làm lu mờ óc phán đoán và khiến chúng ta quyết định hấp tấp. Cũng nên nhớ có lẽ về sau chúng ta sẽ khám phá ra rằng những nỗi lo lắng ấy là vô căn cứ.

Lo lắng về tiền bạc: Một người khôn ngoan từng cầu nguyện: “Chớ cho tôi nghèo-khổ, hoặc sự giàu-sang” (Châm-ngôn 30:8). Ông đã tìm thấy sự thỏa lòng. Đức Chúa Trời vui khi thấy chúng ta có tinh thần đó. Câu Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 13:5 nói: “Hãy giữ lối sống không ham tiền, và thỏa lòng với những gì mình hiện có. Vì [Đức Chúa Trời] đã phán: ‘Ta sẽ không bao giờ lìa ngươi, và chẳng bao giờ bỏ ngươi’”. Tiền bạc là thứ nay còn mai mất và khiến chúng ta thất vọng. Nhưng đối với những ai tin cậy Đức Chúa Trời và giữ đời sống đơn giản, ngài sẽ không bao giờ làm họ thất vọng.

“Tôi... chẳng hề thấy người công-bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn-mày”.Thi-thiên 37:25.

Liệu có bao giờ chúng ta hết lo lắng không?

ĐIỀU NGƯỜI TA NÓI:

Nhà báo Harriet Green đã viết trên tờ The Guardian năm 2008: “Chúng ta đang bước vào một thời đại mới đầy lo lắng”. Năm 2014, Patrick O’Connor viết trong tờ The Wall Street Journal: “Sự lo lắng của người Mỹ đã đạt mức kỷ lục”.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

“Sự buồn-rầu ở nơi lòng người làm cho nao-sờn; nhưng một lời lành khiến lòng vui-vẻ” (Châm-ngôn 12:25). Một “lời lành” đặc biệt được tìm thấy trong tin mừng về Nước Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 24:14). Nước Trời, một chính phủ của Đức Chúa Trời, sẽ sớm thực hiện điều mà chúng ta không thể làm được: xóa tan mọi lo lắng bằng cách loại bỏ những nguyên nhân gây lo lắng, trong đó có bệnh tật và cái chết! “[Đức Chúa Trời] sẽ lau hết nước mắt trên mắt [chúng ta], sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa”.—Khải huyền 21:4.

“Nguyện Đức Chúa Trời, đấng ban hy vọng, làm cho anh em tràn đầy niềm vui và sự bình an bởi anh em tin cậy nơi ngài”.Rô-ma 15:13.

^ đ. 10 Những người bị chứng rối loạn lo âu nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Tạp chí Tỉnh Thức! không đưa ra bất cứ phương pháp trị liệu nào.