Đi đến nội dung

GIẢI THÍCH CÂU KINH THÁNH

Phi-líp 4:6, 7—“Đừng lo lắng bất cứ điều gì”

Phi-líp 4:6, 7—“Đừng lo lắng bất cứ điều gì”

 “Đừng lo lắng bất cứ điều gì, nhưng trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời; rồi sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em qua Đấng Ki-tô Giê-su”.​—Phi-líp 4:6, 7, Bản dịch Thế Giới Mới.

 “Đừng lo âu gì hết nhưng trong mọi hoàn cảnh hãy dùng lời khẩn nguyện và tạ ơn mà trình những nhu cầu mình cho Thượng Đế thì sự bình an của Ngài vượt quá mọi sự hiểu biết của loài người sẽ bảo vệ lòng và trí của anh chị em trong Chúa Giê-xu”.—Phi-líp 4:6, 7, Bản Phổ thông.

Ý nghĩa của Phi-líp 4:6, 7

 Những người thờ phượng Đức Chúa Trời có thể giảm bớt được sự lo lắng thái quá bằng cách cầu nguyện với ngài. Ngài hứa ban cho họ sự bình an nội tâm, là điều sẽ giúp họ đối phó với sự lo lắng cũng như bảo vệ lối suy nghĩ và cảm xúc của họ. Câu 6 cho biết những hình thức cầu nguyện có thể giúp họ nhận được sự bình an đó.

 Nài xin là cầu nguyện một cách rất tha thiết. Một người có thể nài xin Đức Chúa Trời khi gặp căng thẳng hoặc ở trong tình huống nguy hiểm, như Chúa Giê-su đã làm (Hê-bơ-rơ 5:7). Thường những lời cầu nguyện nài xin được lặp lại nhiều lần.

 Thỉnh cầu là xin một điều cụ thể. Những người thờ phượng Đức Chúa Trời có thể thỉnh cầu “trong mọi việc” hoặc “trong mọi hoàn cảnh”. Tuy nhiên, những lời cầu nguyện như thế phải phù hợp với ý muốn của ngài được tiết lộ trong Kinh Thánh.—1 Giăng 5:14.

 Tạ ơn là tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời về những điều ngài đã làm và sẽ làm cho chúng ta. Khi tập trung vào những lý do để biết ơn Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ giữ được niềm vui.​—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18.

 Đức Chúa Trời đáp lại những lời cầu nguyện như thế bằng cách ban cho những người thờ phượng ngài sự bình an. “Sự bình an của Đức Chúa Trời” nói đến sự thanh thản mà một người có được nhờ tình bạn mật thiết với ngài (Rô-ma 15:13; Phi-líp 4:9). Sự bình an này “vượt quá mọi sự hiểu biết” vì nó đến từ Đức Chúa Trời và có thể giúp chúng ta nhiều hơn những gì mình mong đợi.

 Câu Kinh Thánh này cho biết sự bình an của Đức Chúa Trời có thể bảo vệ lòng chúng ta. Từ Hy Lạp được dịch là “bảo vệ” liên quan đến một từ được dùng trong quân đội, nói đến điều mà một nhóm lính làm để canh giữ một thành kiên cố. Tương tự, sự bình an của Đức Chúa Trời bảo vệ cảm xúc và tâm trí của một người, giúp người ấy tránh bị choáng ngợp trước những vấn đề gây lo lắng.

 Sự bình an mà Đức Chúa Trời ban sẽ bảo vệ chúng ta “qua Đấng Ki-tô Giê-su”, vì qua ngài chúng ta mới có thể có mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống để chuộc tội cho chúng ta. Nếu có đức tin nơi ngài, chúng ta có thể hưởng được những ân phước của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:6). Chúa Giê-su cũng là đường đi dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Ngài nói: “Không ai đến được với Cha nếu không qua tôi”.​—Giăng 14:6; 16:23.

Văn cảnh của Phi-líp 4:6, 7

 Sách Phi-líp trong Kinh Thánh là lá thư mà sứ đồ Phao-lô viết cho các tín đồ sống ở thành Phi-líp. a Trong chương 4 của sách này, Phao-lô khuyến khích anh em ở đó vui mừng và ông cám ơn về lòng rộng rãi của họ, là điều khiến ông vui mừng (Phi-líp 4:4, 10, 18). Ông cho thấy lời cầu nguyện sẽ giúp một người có được sự bình an của Đức Chúa Trời. Ông cũng cho biết chúng ta cần suy nghĩ về điều gì và làm gì để nhận được sự giúp đỡ từ “Đức Chúa Trời của sự bình an”.​—Phi-líp 4:8, 9.

a Nằm ở Hy Lạp ngày nay.