Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | HÔN NHÂN

Dung hòa sự khác biệt

Dung hòa sự khác biệt

VẤN ĐỀ

Bạn thích thể thao; bạn đời thì thích đọc sách. Bạn là người tỉ mỉ và chu đáo; bạn đời thì hết sức bừa bộn. Bạn thích hòa đồng; bạn đời thì thích sự riêng tư.

Bạn tự nhủ: “Hai người không hợp nhau! Sao trong thời gian tìm hiểu mình lại không nhận ra điều này?”.

Rất có thể lúc tìm hiểu, bạn đã nhận ra được phần nào, nhưng vẫn dễ dàng bỏ qua những thiếu sót của người kia. Khi đã thành vợ chồng rồi, sao bạn không duy trì như thế? Bài này sẽ giúp bạn tiếp tục dung hòa sự khác biệt. Trước tiên, hãy xem vài điều cần biết về vấn đề này.

BẠN NÊN BIẾT ĐIỀU GÌ?

Một số khác biệt rất nghiêm trọng. Thời gian tìm hiểu là giai đoạn quan trọng để xác định hai người có thật sự hợp nhau không. Vì thế, trong thời gian hẹn hò, nhiều cặp đôi đã nhận ra sự khác biệt nghiêm trọng và chia tay trước khi bước vào cuộc hôn nhân đầy mâu thuẫn. Nhưng nói sao về những khác biệt nhỏ mà trong bất cứ cuộc hôn nhân nào cũng có?

Không có hai người nào hoàn toàn giống nhau. Vì thế, việc vợ chồng có thể khác biệt nhau trong một số khía cạnh sau là điều bình thường.

Sở thích. Người vợ tên Anna * tâm sự: “Các hoạt động ngoài trời không hấp dẫn tôi chút nào, còn chồng tôi thì từ nhỏ đã thích leo lên những dãy núi cao phủ tuyết và lặn lội nhiều ngày băng qua rừng”.

Thói quen. Người chồng tên Khoa cho biết: “Vợ tôi có thể thức khuya mà vẫn dậy được lúc 5 giờ sáng. Còn tôi thì phải ngủ đủ 7, 8 tiếng, nếu không thì sẽ cảm thấy rất bực bội”.

Cá tính. Có thể bạn là người kín miệng, còn người hôn phối thì dễ bộc lộ cảm xúc. Người chồng tên Hiền nói: “Từ nhỏ tôi không có thói quen kể cho người khác nghe những chuyện riêng tư của mình, còn vợ tôi thì lớn lên trong một gia đình mà cái gì cũng nói ra tuốt tuồn tuột”.

Sự khác biệt có thể mang lại lợi ích. Người vợ tên Helena cho biết: “Có lẽ cách của tôi cũng tốt nhưng không có nghĩa đó là cách duy nhất”.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Ủng hộ nhau. Người chồng tên Đức bộc bạch: “Vợ tôi là Kiều chẳng có chút hứng thú gì với thể thao. Nhưng nhiều lần cô ấy đi xem cùng tôi, ngay cả còn vui cùng tôi. Ngược lại, Kiều thích đến viện bảo tàng nghệ thuật, nên tôi đi cùng với vợ và chúng tôi có thể dành nhiều thời gian ở đó, miễn là cô ấy thích. Tôi cố gắng quan tâm đến nghệ thuật vì điều này quan trọng với vợ tôi”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: 1 Cô-rinh-tô 10:24.

Mở rộng tầm nhìn. Quan điểm của bạn đời không nhất thiết sai chỉ vì khác với quan điểm của bạn. Người chồng tên Long đã nhận ra điều này và cho biết: “Lúc nào tôi cũng cảm thấy rằng một đường thẳng là lối đi ngắn nhất từ điểm này đến điểm kia. Không có lựa chọn nào khác. Nhưng khi lấy vợ, tôi nhận ra rằng có nhiều cách để đi, và mỗi cách đi đều có hiệu quả riêng”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: 1 Phi-e-rơ 5:5.

Hãy thực tế. Hợp nhau không có nghĩa là phải giống hệt nhau. Thế nên, đừng chỉ vì vài điểm khác biệt giữa hai vợ chồng mà vội kết luận rằng mình đã lấy lầm người. Một cuốn sách về hôn nhân và ly dị (The Case Against Divorce) nói: “Nhiều người bắt đầu đổ thừa ‘tình yêu đã làm mình mù quáng’”. Tuy nhiên, “vẫn có những ngày vợ chồng sống vui vẻ với nhau. Đó là bằng chứng cho thấy dù khác biệt nhưng cả hai vẫn có thể yêu thương nhau”. Hãy cố gắng “tiếp tục chịu đựng... dù có lý do để phàn nàn về người khác”.—Cô-lô-se 3:13.

Hãy thử cách này: Hãy ghi ra ba điều: những điều bạn thích, những điều bạn rất thích nơi bạn đời và những điểm hai người hợp nhau. Sau đó hãy viết ra những điều mình nhận thấy hai người trái ngược nhau. Có thể bạn sẽ khám phá ra rằng những khác biệt ấy không nghiêm trọng như bạn tưởng. Danh sách đó cũng sẽ cho biết bạn có thể bao dung và hỗ trợ bạn đời của mình nhiều hơn ở những điểm nào. Người chồng tên Bình tâm sự: “Tôi rất vui khi thấy vợ cố gắng để hòa hợp với mình, và tôi biết vợ tôi cũng rất vui khi tôi cố gắng để hòa hợp với cô ấy. Dù đòi hỏi phải hy sinh, nhưng khi thấy vợ vui tôi cũng vui theo”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Phi-líp 4:5.

^ đ. 10 Một số tên trong bài này đã được thay đổi.