Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | LÀM SAO ĐỂ GIA ĐÌNH HÒA THUẬN?

Làm sao để chấm dứt mâu thuẫn?

Làm sao để chấm dứt mâu thuẫn?

Nói sao nếu gia đình bạn cứ cãi nhau hết lần này đến lần khác? Có lẽ hai vợ chồng ngày càng gây gổ thường xuyên và dữ dội hơn. Có lẽ bạn cũng không biết do đâu mà bất đồng lại nảy sinh, dù cả hai rất yêu thương nhau và không muốn làm đau lòng nhau.

Điều quan trọng cần nhớ là việc vợ chồng mâu thuẫn không có nghĩa gia đình sắp đổ vỡ. Vấn đề ở đây không phải là gia đình đang có bất đồng mà là cách bạn giải quyết bất đồng ấy. Gia đình yên bình hay sóng gió tùy thuộc vào cách phản ứng của bạn. Hãy xem một số bước có thể giúp bạn tránh được mâu thuẫn trong gia đình.

1. ĐỪNG ĂN MIẾNG TRẢ MIẾNG.

Mỗi cuộc tranh cãi phải có ít nhất hai người. Do đó, khi một người bắt đầu lắng nghe thay vì cãi lại thì cuộc tranh luận nảy lửa sẽ dịu xuống. Vì thế, hãy kháng cự khuynh hướng ăn miếng trả miếng khi có ai đó làm mình nổi nóng. Hãy giữ lòng tự trọng và thể diện bằng cách tự chủ. Nên nhớ rằng sự êm ấm trong gia đình quan trọng hơn ai thắng ai thua.

“Lửa tắt tại thiếu củi; khi chẳng có ai thèo-lẻo cuộc tranh-cạnh bèn nguôi”.Châm-ngôn 26:20.

2. NHÌN NHẬN CẢM XÚC CỦA NGƯỜI KHÁC.

Việc chăm chú lắng nghe cách thấu cảm, không ngắt lời hoặc vội phê phán có thể giúp người kia hạ cơn giận, nhờ đó gia đình hòa thuận trở lại. Thay vì nghi ngờ động cơ của người khác, hãy cố gắng nhận ra và cho người đó biết mình hiểu cảm xúc của họ. Đừng nghĩ rằng người kia có ác ý, có thể chỉ vì bất toàn nên họ mới cư xử như thế. Họ nói ra những lời gây đau lòng có lẽ vì thiếu suy nghĩ hoặc đang bị tổn thương, chứ không hề có ác tâm hay thích trả đũa.

“Hãy mặc lấy lòng trắc ẩn dịu dàng, sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại và kiên nhẫn”.Cô-lô-se 3:12.

3. DÀNH THỜI GIAN ĐỂ TĨNH TÂM LẠI.

Nếu bạn đang bối rối, có lẽ tốt nhất là hãy xin phép rời khỏi đó một lúc. Bạn có thể qua phòng khác hoặc đi dạo cho đến khi bình tĩnh trở lại. Điều này không có nghĩa là bạn buông xuôi, né tránh hoặc không chịu hợp tác, cũng không có nghĩa bạn đang dùng chiêu chiến tranh lạnh. Thay vì thế, có lẽ đây là thời điểm thuận tiện để cầu xin Đức Chúa Trời cho bạn thêm sự kiên nhẫn, khôn ngoan và hiểu biết.

“Hãy tránh xa trước khi cuộc tranh cãi bùng nổ”.Châm-ngôn 17:14, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

4. CÂN NHẮC KỸ NÊN NÓI ĐIỀU GÌ VÀ NÓI NHƯ THẾ NÀO.

Tình hình sẽ không cải thiện nếu bạn dồn sức nói sao cho sắc bén để làm người khác đau lòng. Thay vì thế, hãy cố gắng nói điều gì đó để bạn đời của mình bớt tổn thương. Và thay vì khăng khăng bảo bạn đời đừng thế này thế nọ, trước hết hãy khiêm nhường đề nghị bạn đời cho biết cảm xúc của người ấy. Hãy cám ơn bạn đời đã giúp mình hiểu người ấy hơn.

“Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm; nhưng lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”.Châm-ngôn 12:18.

5. NÓI GIỌNG NHỎ NHẸ VÀ CÓ TINH THẦN HÒA GIẢI.

Nếu một thành viên trong gia đình thiếu kiên nhẫn, người đó sẽ rất dễ châm dầu vào lửa. Đừng dùng giọng mỉa mai, nói những lời xúc phạm hoặc lớn tiếng cho dù bạn tức giận đến mấy. Tránh thốt ra những lời buộc tội gây đau lòng như: “Anh chẳng quan tâm gì đến em”, hoặc “Em không bao giờ chịu nghe”. Thay vì thế, hãy điềm tĩnh cho bạn đời biết cách cư xử của người ấy ảnh hưởng thế nào đến bạn (“Em rất buồn khi anh...”). Không có lý do gì để bào chữa cho việc xô đẩy, đấm đá hoặc có bất cứ hành vi bạo lực nào. Cũng đừng bao giờ lăng mạ nhau hoặc thốt ra những lời khinh bỉ hay đe dọa.

“Hãy từ bỏ mọi sự cay đắng hiểm độc, tức giận, căm ghét, quát tháo, lăng mạ cùng mọi điều gây tổn thương”.Ê-phê-sô 4:31.

6. NHANH CHÓNG XIN LỖI VÀ CHO BIẾT ĐIỀU BẠN SẼ LÀM ĐỂ CẢI THIỆN TÌNH HÌNH.

Đừng để cảm xúc tiêu cực khiến bạn không còn nhìn ra mục tiêu chính: làm hòa. Hãy nhớ rằng nếu bạn đối đầu với người kia thì cả hai sẽ thua cuộc. Còn nếu bạn làm hòa thì cả hai sẽ chiến thắng. Đừng quên rằng bạn cũng có lỗi phần nào trong cuộc tranh cãi. Ngay cả khi tin chắc mình không làm gì sai, bạn vẫn có thể xin lỗi vì đã tỏ ra bực bội, lỡ lời hoặc vô tình làm bạn đời buồn. Việc hòa thuận quan trọng hơn sĩ diện hoặc chiến thắng. Và nếu bạn đời xin lỗi thì hãy nhanh chóng tha thứ.

“Hãy đi hạ mình xuống, nài-xin người lân-cận con”.Châm-ngôn 6:3.

Khi cuộc gây gổ chấm dứt, bạn có thể làm gì để đẩy mạnh hòa thuận trong gia đình? Chủ đề này sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp.