Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MƯỜI HAI

Ông tìm sự an ủi nơi Đức Chúa Trời

Ông tìm sự an ủi nơi Đức Chúa Trời

1, 2. Chuyện gì xảy ra vào ngày đặc biệt nhất trong đời Ê-li?

Ê-li chạy trong mưa khi màn đêm dần buông xuống. Đường đến Gít-rê-ên còn xa lắm, mà ông thì cao tuổi. Dù vậy, Ê-li chạy không mệt mỏi vì “tay Đức Giê-hô-va giáng trên” ông. Ông tràn đầy sinh lực hơn bao giờ hết, đến nỗi đã chạy vượt lên trước cỗ xe ngựa hoàng gia của vua A-háp!—Đọc 1 Các Vua 18:46.

2 Lúc này, chỉ còn Ê-li trên con đường dài phía trước. Hãy tưởng tượng trong khi Ê-li chạy, mắt ông chớp liên tục vì nước mưa và ông lại nghĩ về ngày đặc biệt nhất trong đời mình. Không nghi ngờ gì, đó là ngày mang lại chiến thắng vẻ vang cho Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của ông, và sự thờ phượng thật. Đỉnh núi Cạt-mên lộng gió càng khuất dần phía sau Ê-li do bão tố mịt mù. Đó là nơi Đức Giê-hô-va đã dùng Ê-li để đánh bại việc thờ Ba-anh một cách mạnh mẽ và phi thường. Hàng trăm tiên tri của Ba-anh bị vạch trần bộ mặt giả dối và bị hành quyết thích đáng. Sau đó, Ê-li cầu xin Đức Giê-hô-va chấm dứt hạn hán xảy ra trong xứ suốt ba năm rưỡi qua. Trời đã đổ mưa!—1 Vua 18:18-45.

3, 4. (a) Tại sao trên đường đến Gít-rê-ên có lẽ Ê-li đã hy vọng thật nhiều? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

3 Suốt chặng đường 30km đến Gít-rê-ên, khi đang chạy trong mưa, có lẽ Ê-li đã hy vọng thật nhiều. Chắc ông nghĩ rằng sắp có chuyển biến lớn. A-háp sẽ phải thay đổi! Sau những gì A-háp chứng kiến, chắc chắn ông ta không còn lựa chọn nào khác là bỏ đạo Ba-anh, khống chế hoàng hậu Giê-sa-bên và ngưng ngược đãi những tôi tớ Đức Chúa Trời.

“Ê-li... chạy trước A-háp cho đến khi tới Gít-rê-ên”

4 Thông thường, khi mọi chuyện có vẻ tiến triển đúng như mong đợi thì chúng ta thấy có hy vọng. Khi đó, chúng ta tưởng tượng đời sống sẽ tốt đẹp hơn, thậm chí nghĩ rằng vấn đề nghiêm trọng nhất cũng sẽ được giải quyết ổn thỏa. Nếu Ê-li nghĩ như vậy thì không có gì ngạc nhiên, vì ông “cũng là người có cảm xúc như chúng ta” (Gia 5:17). Nhưng thật ra, những vấn đề của ông chỉ mới bắt đầu. Vài giờ sau đó, ông cảm thấy sợ hãi và suy sụp đến mức muốn chết. Chuyện gì đã xảy ra với ông? Làm sao Đức Giê-hô-va giúp nhà tiên tri của ngài củng cố đức tin và lòng can đảm? Chúng ta hãy cùng xem.

Mọi chuyện không như mong đợi

5. Sau những sự kiện tại núi Cạt-mên, A-háp có tôn kính Đức Giê-hô-va hơn không, và làm sao chúng ta biết?

5 Khi A-háp về đến cung điện tại Gít-rê-ên, có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ông đã thay đổi không? Kinh Thánh cho biết: “A-háp thuật lại cho Giê-sa-bên mọi điều Ê-li đã làm, và người đã dùng gươm giết hết thảy tiên-tri Ba-anh làm sao” (1 Vua 19:1). Hãy lưu ý là A-háp kể lại những sự kiện hôm đó nhưng không nhắc đến Đức Chúa Trời của Ê-li. Vì nhìn theo quan điểm của con người nên ông cho rằng mọi điều phi thường ấy là do “Ê-li đã làm”. Rõ ràng, ông vẫn chưa tôn kính Đức Giê-hô-va. Còn người vợ đầy lòng hận thù của ông thì phản ứng ra sao?

6. Giê-sa-bên báo tin gì cho Ê-li, và điều đó có nghĩa gì?

6 Giê-sa-bên vô cùng tức giận! Điên tiết lên, bà sai người đến báo cho Ê-li: “Nếu ngày mai trong giờ nầy, ta không xử mạng-sống ngươi như mạng-sống của một người trong chúng nó, nguyện các thần đãi ta cách nặng-nề” (1 Vua 19:2). Đây là lời đe dọa đáng sợ nhất. Thật vậy, để báo thù cho những tiên tri của Ba-anh, Giê-sa-bên thề nếu không giết được Ê-li trong ngày hôm sau thì bà sẽ chết. Hãy hình dung Ê-li đang ngủ tại một quán trọ ở Gít-rê-ên trong đêm mưa bão ấy, ông bị đánh thức để nghe lời đe dọa đáng sợ của hoàng hậu. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến ông?

Bị nỗi sợ hãi lấn át và nhụt chí

7. Lời đe dọa của Giê-sa-bên ảnh hưởng thế nào đến Ê-li, và ông làm gì?

7 Nếu trước đó Ê-li tin rằng cuộc chiến chống lại việc thờ Ba-anh đã chấm dứt thì đến lúc này hy vọng của ông hoàn toàn sụp đổ. Giê-sa-bên vẫn cứng đầu. Bà đã ra lệnh giết rất nhiều nhà tiên tri đồng sự của Ê-li, và giờ đây có vẻ như ông là người kế tiếp. Lời đe dọa của Giê-sa-bên ảnh hưởng thế nào đến Ê-li? Kinh Thánh cho biết: “Ê-li sợ-hãi”. Ê-li có hình dung ra cái chết thê thảm mà Giê-sa-bên dành sẵn cho ông không? Nếu cứ nghĩ đến những điều đó thì đương nhiên ông sẽ sợ hãi. Dù gì đi nữa, Ê-li đã “chạy đi đặng cứu mạng-sống mình”.—1 Vua 18:4; 19:3.

Nếu muốn giữ vững lòng can đảm, chúng ta không nên cứ nghĩ đến những mối đe dọa khiến mình sợ hãi

8. (a) Phi-e-rơ cũng gặp vấn đề nào tương tự với Ê-li? (b) Chúng ta có thể học được gì từ Ê-li và Phi-e-rơ?

8 Ê-li không phải là người trung thành duy nhất bị nỗi sợ hãi lấn át. Rất lâu sau, sứ đồ Phi-e-rơ cũng gặp vấn đề tương tự. Chẳng hạn, có lần Chúa Giê-su làm cho ông đi trên mặt nước với ngài. Nhưng “khi nhìn thấy gió mạnh”, ông mất hết can đảm và bắt đầu chìm. (Đọc Ma-thi-ơ 14:30). Trường hợp của Ê-li và Phi-e-rơ dạy chúng ta bài học quý giá, đó là nếu muốn giữ vững lòng can đảm, chúng ta không nên cứ nghĩ đến những mối đe dọa khiến mình sợ hãi. Chúng ta cần hướng tới Đức Chúa Trời, Nguồn hy vọng và sức mạnh của chúng ta.

‘Đã đủ rồi!’

9. Hãy miêu tả hành trình của Ê-li và cảm xúc của ông khi trốn chạy.

9 Vì sợ hãi, Ê-li chạy khoảng 150km về phía tây nam để trốn đến Bê-e-Sê-ba, thị trấn gần biên giới phía nam Giu-đa. Ông bỏ lại tôi tớ, một mình đi đến hoang mạc. Lời tường thuật cho biết ông “đi ước một ngày” đường. Chúng ta có thể hình dung ông khởi hành lúc mặt trời mọc, hẳn là không đem theo bất cứ gì khác. Vừa nản lòng vừa sợ hãi, ông gắng sức đi qua vùng đất hoang vu, gồ ghề dưới cái nắng gắt gao. Khi mặt trời như cái đĩa đỏ rực dần buông mình xuống phía chân trời thì Ê-li cũng kiệt sức. Lả cả người, ông ngồi dưới một gốc cây, chỗ duy nhất để nghỉ ngơi trên hoang mạc ấy.—1 Vua 19:4.

10, 11. (a) Lời Ê-li cầu nguyện với Đức Giê-hô-va có nghĩa gì? (b) Hãy dùng những câu Kinh Thánh được viện dẫn để miêu tả cảm xúc của những người trung thành khi bị suy sụp tinh thần.

10 Ê-li cầu nguyện trong nỗi tuyệt vọng. Ông xin được chết. Ông nói: “Tôi không hơn gì các tổ-phụ tôi”. Ông biết rằng tổ phụ ông đã ở trong mồ và chỉ là bụi đất, không thể giúp đỡ bất cứ ai (Truyền 9:10). Ê-li cảm thấy mình vô dụng như họ. Vì thế, ông gào to: ‘Đã đủ rồi!’, như là ông chẳng còn thiết sống nữa.

11 Chúng ta không bất ngờ khi biết một tôi tớ của Đức Chúa Trời bị suy sụp tinh thần đến vậy. Như Kinh Thánh ghi lại, một số người nam và nữ trung thành cũng từng buồn nản đến mức muốn chết, trong đó có Rê-bê-ca, Gia-cốp, Môi-se và Gióp.—Sáng 25:22, NW; 37:35; Dân 11:13-15; Gióp 14:13.

12. Nếu cảm thấy suy sụp, bạn có thể noi gương Ê-li như thế nào?

12 Chúng ta đang sống trong “thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” nên không lạ gì khi nhiều người, kể cả tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời, đôi lúc cảm thấy suy sụp (2 Ti 3:1). Nếu có lúc bạn cũng ở trong cảnh khốn khó như thế, hãy noi gương Ê-li: Dốc đổ nỗi lòng với Đức Chúa Trời. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi”. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 1:3, 4). Ngài có an ủi Ê-li không?

Đức Giê-hô-va tiếp sức cho nhà tiên tri của ngài

13, 14. (a) Qua một thiên sứ, Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng yêu thương và quan tâm đến nhà tiên tri buồn nản của ngài ra sao? (b) Tại sao thật an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va biết rõ mỗi người, kể cả những giới hạn của chúng ta?

13 Từ trên trời, Đức Giê-hô-va nhìn xuống và thấy nhà tiên tri yêu dấu của ngài nằm dưới cây trong hoang mạc và nài xin được chết. Bạn nghĩ lúc ấy ngài cảm thấy thế nào? Chúng ta không cần đoán. Sau khi Ê-li ngủ thiếp đi, Đức Giê-hô-va phái một thiên sứ xuống gặp ông. Thiên sứ chạm nhẹ và đánh thức ông: “Hãy chỗi dậy và ăn”. Ê-li làm theo vì thiên sứ đã ân cần bày ra cho ông một bữa ăn đơn giản gồm bánh mì tươi, nóng và nước. Ông có cám ơn thiên sứ không? Lời tường thuật chỉ cho biết là nhà tiên tri ăn uống rồi ngủ tiếp. Phải chăng ông nản đến mức không nói năng gì? Dù sao đi nữa, thiên sứ đánh thức ông lần thứ hai, có lẽ là khi trời vừa sáng. Thiên sứ lại giục Ê-li: “Hãy chỗi dậy và ăn”. Điều đáng chú ý là thiên sứ nói thêm: “Vì đường xa quá cho ngươi”.—1 Vua 19:5-7.

14 Nhờ Đức Giê-hô-va, thiên sứ biết Ê-li sẽ đi đâu. Thiên sứ cũng biết đây là chuyến hành trình quá gian nan so với sức của ông. Thật an ủi biết bao khi phụng sự Đức Chúa Trời, đấng biết những mục tiêu và giới hạn của chúng ta hơn chính chúng ta! (Đọc Thi-thiên 103:13, 14). Ê-li được tiếp sức thế nào nhờ bữa ăn đó?

15, 16. (a) Nhờ lương thực Đức Giê-hô-va ban, Ê-li có thể làm gì? (b) Tại sao chúng ta nên biết ơn thức ăn thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va ban?

15 Kinh Thánh cho biết: “Nhờ sức của lương-thực ấy, người đi bốn mươi ngày và bốn mươi đêm cho đến Hô-rếp, là núi của Đức Chúa Trời” (1 Vua 19:8). Giống Môi-se sống trước đó khoảng sáu thế kỷ và Chúa Giê-su sống sau đó gần mười thế kỷ, Ê-li không ăn 40 ngày và 40 đêm (Xuất 34:28; Lu 4:1, 2). Dù bữa ăn đó không làm mọi vấn đề của ông tan biến, nhưng nó tiếp sức cho ông một cách phi thường. Hãy tưởng tượng người đàn ông cao tuổi ấy lê bước qua hoang mạc hết ngày này qua ngày khác, hết tuần này qua tuần nọ, trong gần một tháng rưỡi!

16 Đức Giê-hô-va cũng tiếp sức cho tôi tớ ngài thời nay, không phải qua thức ăn có được nhờ phép lạ nhưng qua điều thiết yếu hơn, đó là thức ăn thiêng liêng (Mat 4:4). Học về Đức Chúa Trời qua Lời ngài và những ấn phẩm theo sát Kinh Thánh giúp chúng ta vững mạnh. Dù việc tiếp nhận thức ăn thiêng liêng không làm mọi vấn đề mất đi, nhưng có thể giúp chúng ta chịu đựng những điều mà với sức riêng không thể làm được. Hơn thế, điều đó còn dẫn chúng ta đến “sự sống vĩnh cửu”.—Giăng 17:3.

17. Ê-li đi đến đâu, và tại sao nơi đó vô cùng ý nghĩa?

17 Ê-li đi bộ gần 320km và cuối cùng cũng đến núi Hô-rếp, là nơi vô cùng ý nghĩa. Tại đó xưa kia, thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã hiện ra với Môi-se giữa bụi gai cháy và sau đó Đức Giê-hô-va lập giao ước Luật pháp với dân Y-sơ-ra-ên. Ê-li tìm được nơi trú ẩn trong một cái hang.

Cách Đức Giê-hô-va an ủi và làm vững mạnh nhà tiên tri của ngài

18, 19. (a) Sứ giả của Đức Giê-hô-va hỏi Ê-li điều gì, và Ê-li đáp lại thế nào? (b) Ê-li cho thấy ba lý do nào khiến ông bị suy sụp tinh thần?

18 Tại núi Hô-rếp, Đức Giê-hô-va hỏi Ê-li qua sứ giả của ngài là một thiên sứ: “Hỡi Ê-li, người ở đây làm chi?”. Chắc cách hỏi rất nhẹ nhàng vì Ê-li coi đó là lời mời để ông dốc đổ nỗi lòng. Ông giãi bày: “Tôi đã rất nóng-nảy sốt-sắng vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn-quân; vì dân Y-sơ-ra-ên đã bội giao-ước Ngài, phá-hủy các bàn-thờ Ngài, dùng gươm giết những tiên-tri Ngài; chỉ một mình tôi còn lại, và họ cũng kiếm thế cất mạng-sống tôi” (1 Vua 19:9, 10). Những lời của Ê-li cho thấy ít nhất ba lý do khiến ông bị suy sụp tinh thần.

19 Thứ nhất, Ê-li cảm thấy mọi việc ông làm đều vô ích. Dù trong nhiều năm, ông rất “sốt-sắng” phụng sự Đức Giê-hô-va, đặt việc thờ phượng và danh ngài lên hàng đầu, nhưng ông thấy mọi chuyện ngày càng tệ hơn. Dân sự vẫn phản nghịch và thiếu đức tin, trong khi sự thờ phượng sai lầm cứ lan tràn. Thứ hai, Ê-li cảm thấy đơn độc. Ông nói: “Chỉ một mình tôi còn lại”, như thể ông là người cuối cùng trong nước còn phụng sự Đức Giê-hô-va. Thứ ba, Ê-li rất sợ hãi. Nhiều nhà tiên tri cùng làm việc với ông đã bị giết và ông tin chắc mình là người kế tiếp. Có lẽ Ê-li thấy khó thừa nhận những cảm xúc ấy, nhưng ông đã không để lòng kiêu hãnh hay sự ngượng ngùng cản trở mình làm vậy. Khi dốc đổ nỗi lòng với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện, ông nêu gương tốt cho tất cả những người trung thành.—Thi 62:8.

20, 21. (a) Hãy miêu tả những gì Ê-li chứng kiến tại cửa hang trên núi Hô-rếp. (b) Đức Giê-hô-va dùng lực siêu phàm của ngài để dạy Ê-li điều gì?

20 Đức Giê-hô-va làm gì khi thấy Ê-li lo lắng và sợ hãi? Thiên sứ bảo Ê-li đứng ở cửa hang. Ông làm theo mà không biết chuyện gì sắp xảy ra. Bỗng xuất hiện một luồng gió mạnh! Hẳn phải có một tiếng động chói tai, vì nó lớn đến độ xé núi và làm vỡ tan những hòn đá. Hãy hình dung lúc Ê-li bị gió quật mạnh, ông cố gắng che mắt trong khi tay giữ chặt áo khoác bằng lông thú mộc mạc và nặng. Sau đó, ông phải cố sức để giữ thăng bằng vì đất bắt đầu dịch chuyển và lắc lư—một trận động đất làm cả vùng rung chuyển! Ông chưa kịp lấy lại thăng bằng thì một ngọn lửa lớn lướt qua, buộc ông phải lùi vào hang để tránh cái nóng như thiêu đốt.—1 Vua 19:11, 12.

Đức Giê-hô-va dùng lực siêu phàm của ngài để an ủi và khích lệ Ê-li

21 Trong mỗi trường hợp, lời tường thuật nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Giê-hô-va không ở trong những cảnh tượng kỳ diệu này của thiên nhiên. Ê-li biết ngài không phải là một thần thiên nhiên huyền thoại nào đó, như Ba-anh được những người nhẹ dạ tôn vinh và gọi là “thần cưỡi mây”, hay thần ban mưa. Đức Giê-hô-va chính là Nguồn của tất cả lực mạnh mẽ trong thiên nhiên, ngài cũng lớn hơn bất cứ thứ gì ngài tạo ra. Thậm chí những tầng trời cũng không thể chứa ngài! (1 Vua 8:27). Tất cả những điều này đã giúp Ê-li ra sao? Hãy nhớ nỗi sợ hãi của ông. Có Đức Giê-hô-va bên cạnh, cùng với lực siêu phàm của ngài, Ê-li không cần phải sợ A-háp và Giê-sa-bên!—Đọc Thi-thiên 118:6.

22. (a) Làm thế nào “tiếng êm-dịu nhỏ-nhẹ” trấn an Ê-li rằng ông không hề vô dụng? (b) Có lẽ “tiếng êm-dịu nhỏ-nhẹ” là của ai? (Xem chú thích).

22 Sau khi lửa biến mất, không gian trở nên tĩnh lặng và Ê-li nghe “một tiếng êm-dịu nhỏ-nhẹ”. Tiếng đó khuyến khích ông giãi bày cảm xúc lần nữa, và ông đã làm thế *. Có lẽ điều đó làm ông thấy nhẹ nhõm hơn. Chắc chắn ông được an ủi thêm bởi những gì “tiếng êm-dịu nhỏ-nhẹ” nói với ông sau đó. Đức Giê-hô-va trấn an Ê-li rằng ông không hề vô dụng. Như thế nào? Ngài cho ông biết ý định của ngài trong tương lai liên quan đến cuộc chiến chống lại việc thờ Ba-anh trong nước Y-sơ-ra-ên. Rõ ràng, công việc của Ê-li không vô ích, vì Đức Giê-hô-va vẫn tiếp tục thực hiện ý định của ngài. Hơn thế, Ê-li vẫn được góp phần thực hiện ý định đó, vì Đức Giê-hô-va phái ông trở về để làm một số việc cụ thể.—1 Vua 19:12-17.

23. Đức Giê-hô-va xua tan cảm giác đơn độc của Ê-li qua hai cách nào?

23 Còn về cảm giác đơn độc của Ê-li thì sao? Đức Giê-hô-va đã làm hai điều để giúp ông. Thứ nhất, ngài bảo Ê-li xức dầu cho Ê-li-sê để làm nhà tiên tri kế nghiệp ông sau này. Người đàn ông trẻ tuổi này trở thành bạn đồng hành và trợ giúp Ê-li trong vài năm. Thật là sự sắp đặt đầy an ủi! Thứ hai, Đức Giê-hô-va cho ông biết một tin phấn khởi: “Ta đã để dành lại cho ta trong Y-sơ-ra-ên bảy ngàn người không có quì gối xuống trước mặt Ba-anh, và môi họ chưa hôn nó” (1 Vua 19:18). Ê-li không hề đơn độc. Hẳn ông cảm thấy ấm lòng khi nghe tin có hàng ngàn người trung thành không chịu thờ Ba-anh. Họ cần ông tiếp tục trung thành phụng sự, nêu gương trung thành với Đức Giê-hô-va trong những thời khắc khó khăn này. Hẳn Ê-li vô cùng xúc động khi nghe những lời sứ giả nói, đó là “tiếng êm-dịu nhỏ-nhẹ” của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh có thể như “tiếng êm-dịu nhỏ-nhẹ” nếu chúng ta để sách ấy hướng dẫn mình thời nay

24, 25. (a) Thời nay, chúng ta có thể nghe “tiếng êm-dịu nhỏ-nhẹ” của Đức Chúa Trời qua cách nào? (b) Tại sao chúng ta biết chắc là Ê-li đón nhận sự an ủi của Đức Giê-hô-va?

24 Như Ê-li, theo lẽ thường chúng ta cũng kinh sợ trước những lực thiên nhiên mạnh mẽ trong công trình sáng tạo. Sự sáng tạo phản ánh rõ nét quyền năng của Đấng Tạo Hóa (Rô 1:20). Đức Giê-hô-va vẫn sử dụng quyền năng vô hạn để giúp tôi tớ trung thành của ngài (2 Sử 16:9). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời nói với chúng ta phần lớn là qua Lời ngài, tức Kinh Thánh. (Đọc Ê-sai 30:21). Theo nghĩa nào đó, Kinh Thánh có thể như “tiếng êm-dịu nhỏ-nhẹ” nếu chúng ta để sách ấy hướng dẫn mình thời nay. Qua những trang sách quý giá ấy, Đức Giê-hô-va sửa trị, khích lệ và bảo đảm với chúng ta về tình yêu thương của ngài.

25 Ê-li có đón nhận sự an ủi của Đức Giê-hô-va tại núi Hô-rếp không? Chắc chắn có. Vì không lâu sau đó, ông trở lại nhiệm vụ của một nhà tiên tri, tiếp tục trung thành và can đảm chống lại sự thờ phượng sai lầm. Cũng vậy, nếu tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời, “sự an ủi đến từ Kinh Thánh”, chúng ta có thể noi theo đức tin của Ê-li.—Rô 15:4.

^ đ. 22 Có lẽ đây cũng là tiếng của thiên sứ đã truyền “lời của Đức Giê-hô-va” nơi 1 Các Vua 19:9. Trong 1 Các Vua 19:15, thiên sứ này được nhắc đến với danh “Giê-hô-va”. Có thể điều này làm chúng ta liên tưởng đến vị thiên sứ được Đức Giê-hô-va dùng để hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên trong hoang mạc. Ngài nói về thiên sứ ấy: “Danh ta ngự trong mình người” (Xuất 23:21). Dĩ nhiên chúng ta không thể võ đoán, nhưng điều đáng chú ý là trước khi làm người, Chúa Giê-su từng làm “Ngôi Lời”, tức phát ngôn viên đặc biệt của Đức Giê-hô-va.—Giăng 1:1.