Đi đến nội dung

NGÀY 25-5-2023
HY LẠP

Vụ Kokkinakis kiện Hy Lạp: Phán quyết quan trọng của ECHR vẫn còn sức ảnh hưởng sau 30 năm

Giúp thiết lập nền tảng bảo vệ quyền tôn giáo trên khắp châu Âu

Vụ Kokkinakis kiện Hy Lạp: Phán quyết quan trọng của ECHR vẫn còn sức ảnh hưởng sau 30 năm

Ngày 25-5-2023 đã đánh dấu 30 năm kể từ khi Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) đưa ra một trong những phán quyết có ảnh hưởng nhất, theo nhận định của các chuyên gia pháp lý, là vụ Kokkinakis kiện Hy Lạp. Đó là lần đầu tiên ECHR kết án một đất nước vì đã vi phạm quyền tự do tôn giáo. Kể từ năm 1993, phán quyết này đặt nền tảng cho quyền tự do tôn giáo trong 46 quốc gia thành viên của Hội đồng Châu Âu. Khi một số chính quyền có thế lực vi phạm quyền hợp pháp của chúng ta trong việc tự do chia sẻ niềm tin với người khác, chẳng hạn như ở Nga, thì phán quyết trong vụ Kokkinakis đã lập tiền lệ về pháp lý mà cho đến nay vẫn hữu ích.

Cho đến nay, trang web chính thức của Hội đồng Châu Âu vẫn nhắc đến vụ Kokkinakis khi miêu tả sự bảo vệ của Công ước Châu Âu về Nhân quyền. Vụ này cũng được dạy trong các trường luật và được trích dẫn trong các kháng cáo lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu.

Phán quyết trong vụ Kokkinakis là đáng chú ý khi nêu ra rằng “việc làm chứng qua lời nói và hành động liên kết chặt chẽ với niềm tin tôn giáo”. Điều này cũng xác nhận rằng “quyền tự do thực hành tôn giáo của một người… bao gồm việc cố gắng thuyết phục người lân cận, chẳng hạn qua việc ‘dạy dỗ’”.

Thẩm phán De Meyer, một trong chín thẩm phán ECHR xét xử trong vụ này, đã giải thích quan điểm của ông: “Việc tuyên truyền đạo, được định nghĩa là ‘lòng sốt sắng loan truyền niềm tin’, không phải là một tội. Đó là một cách hoàn toàn hợp pháp để một người thực hành tôn giáo của mình”.

Phán quyết mang tính lịch sử này đánh dấu kết thúc cho cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài nửa thế kỷ của anh Minos Kokkinakis. Chính quyền Hy Lạp đã bắt giữ anh Minos vào năm 1938 vì vi phạm luật cấm “tuyên truyền đạo” do nhà độc tài Ioannis Metaxas của Hy Lạp lập ra. Anh Minos, lúc đó 30 tuổi, là người đầu tiên trong số 19.147 Nhân Chứng Giê-hô-va bị bắt giữ vì luật này từ năm 1938 đến năm 1992. Trong suốt những thập kỷ đó, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng chịu đựng sự quấy rối, bị đối xử bất công và bị hành hung.

Không sợ hãi, anh Minos vẫn tiếp tục thánh chức của mình. Kết quả là anh đã bị bắt giữ hơn 60 lần, bị đưa ra tòa Hy Lạp 18 lần, bị ở tù và đi đày hơn sáu năm cũng như chịu phạt tiền vài lần.

Cuối cùng, vào năm 1993, ECHR đã phán quyết anh Minos, khi ấy 84 tuổi, là vô tội và tuyên bố Hy Lạp đã vi phạm quyền tự do tôn giáo của anh. ECHR chỉ thị rằng chính quyền phải đền bù cho anh Minos và trả án phí cho anh. Anh Minos sống quãng đời còn lại của mình ở đảo Cơ-rết. Anh qua đời vào năm 1999 ở tuổi 90.

Thẩm phán De Meyer khẳng định rằng anh Minos không phải là một tội phạm nhưng “bị buộc tội chỉ vì thể hiện lòng sốt sắng mà không hề làm điều gì sai”.

Anh Philip Brumley, cố vấn pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va, đã nêu bật cách mà phán quyết quan trọng này ảnh hưởng đến các vụ án pháp lý ngày nay. Anh nói: “Phán quyết của vụ Kokkinakis đã lập nền tảng cho quyền tự do chia sẻ niềm tin của một người với người khác một cách hiếu hòa. Đó là phán quyết quan trọng nhất của ECHR và được trích dẫn nhiều nhất liên quan đến tự do tôn giáo, thậm chí ngoài châu Âu”.

Chúng ta cảm tạ Đức Giê-hô-va vì chiến thắng vẻ vang trong vụ Kokkinakis và những tiền lệ mà vụ này thiết lập. Chúng ta cũng cảm ơn ngài đã ban sự khôn ngoan và hướng dẫn khi chúng ta tiếp tục “bênh vực và tìm cách hợp pháp hóa quyền rao giảng tin mừng”.​—Phi-líp 1:7.