Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | MA QUỈ CÓ THẬT KHÔNG?

Có phải Sa-tan chỉ tượng trưng cho điều ác?

Có phải Sa-tan chỉ tượng trưng cho điều ác?

Thật dễ để cho rằng Sa-tan mà chúng ta đọc trong Kinh Thánh chỉ tượng trưng cho mọi điều ác. Nhưng Kinh Thánh có thật sự dạy như thế không? Tại sao Kinh Thánh miêu tả Sa-tan nói chuyện với Chúa Giê-su Ki-tô và Đức Chúa Trời Toàn Năng? Hãy xem hai cuộc nói chuyện như thế.

KHI SA-TAN NÓI VỚI CHÚA GIÊ-SU

Khi Chúa Giê-su bắt đầu công việc truyền giáo, Sa-tan cố gài bẫy ngài bằng ba cám dỗ. Thứ nhất, Sa-tan cố gắng gây áp lực khiến Chúa Giê-su dùng quyền năng cách ích kỷ, quyền năng do Đức Chúa Trời ban, để thỏa mãn cơn đói của ngài. Sau đó, Sa-tan thách thức để Chúa Giê-su liều mạng sống cách dại dột và hướng sự chú ý đến mình. Cuối cùng, Sa-tan đề nghị cho Chúa Giê-su quyền cai trị mọi nước thế gian chỉ đổi lại việc quỳ xuống lạy. Chúa Giê-su cự tuyệt ba âm mưu tinh vi ấy, mỗi lần ngài đều trích Kinh Thánh.—Ma-thi-ơ 4:1-11; Lu-ca 4:1-13.

Chúa Giê-su đang nói chuyện với ai? Có phải với một đặc tính gian ác trong lòng ngài không? Theo Kinh Thánh, Chúa Giê-su “đã bị thử thách mọi bề như chúng ta nhưng không phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15). Kinh Thánh cũng cho biết: “Ngài chẳng hề phạm tội, trong miệng ngài không có điều chi dối trá” (1 Phi-e-rơ 2:22). Chúa Giê-su vẫn hoàn hảo, tiếp tục giữ lòng trung kiên. Ngài không bao giờ để bất cứ đặc tính ác nào nảy nở trong lòng mình. Rõ ràng, Chúa Giê-su không nói chuyện với phần gian ác nào trong lòng mà đang nói chuyện với một đối tượng có thật.

Cuộc đối thoại này cho thấy thêm bằng chứng Sa-tan là thần linh có thật.

  • Hãy nhớ rằng Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt đề nghị cho Chúa Giê-su quyền cai trị cả thế gian để đổi lại việc quỳ xuống lạy (Ma-thi-ơ 4:8, 9). Lời đề nghị này là vô nghĩa nếu Sa-tan không có thật. Hơn nữa, Chúa Giê-su không phủ nhận lời của Sa-tan về uy quyền đầy ấn tượng của hắn.

  • Sau khi Chúa Giê-su cự tuyệt các cám dỗ ấy, Kẻ Quỷ Quyệt “bỏ đi và chờ dịp khác” (Lu-ca 4:13). Trong trường hợp này, liệu Sa-tan có giống một đặc tính ác hay một kẻ thù cương quyết, lì lợm?

  • Hãy lưu ý là “các thiên sứ đến phục vụ” Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 4:11). Liệu các thiên sứ này có phải là thần linh có thật, đến để khích lệ và hỗ trợ Chúa Giê-su không? Rõ ràng là có. Vậy, tại sao lại nghĩ Sa-tan không phải là thần linh có thật?

KHI SA-TAN NÓI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

Trường hợp thứ hai liên quan đến lời tường thuật về người đàn ông kính sợ Đức Chúa Trời tên là Gióp. Lời tường thuật cho biết hai cuộc đối thoại giữa Sa-tan và Đức Chúa Trời. Trong cả hai trường hợp này, Đức Chúa Trời khen Gióp vì đã thể hiện lòng trung kiên. Sa-tan khẳng định rằng Gióp phụng sự Đức Chúa Trời chỉ vì những lý do ích kỷ, ngụ ý rằng Đức Chúa Trời mua chuộc lòng trung thành của Gióp. Như thể Sa-tan cho rằng mình biết Gióp rõ hơn Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va * cho phép Sa-tan khiến Gióp bị mất tài sản, con cái và ngay cả sức khỏe. Qua thời gian, rõ ràng Đức Giê-hô-va nghĩ đúng về Gióp, và chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối. Đức Chúa Trời ban phước cho Gióp vì thể hiện lòng trung kiên.—Gióp 1:6-12; 2:1-7.

Trong các cuộc đối thoại giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan, liệu Đức Giê-hô-va có đang nói chuyện với đặc tính ác hiện diện trong ngài không? Kinh Thánh cho biết: “Các đường của Ngài vốn là trọn-vẹn” (2 Sa-mu-ên 22:31). Lời Đức Chúa Trời cũng nói: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng” (Khải huyền 4:8). Từ “thánh” nghĩa là trong sạch, thánh khiết, tách biệt khỏi tội lỗi. Đức Giê-hô-va là hoàn hảo và không có dấu vết xấu xa. Ngài không thể có bất cứ đặc tính ác nào.

Cuộc đối thoại của Sa-tan với Đức Chúa Trời khiến ông Gióp phải lãnh chịu hậu quả thật sự

Tuy nhiên, một số người có lẽ tranh luận rằng Gióp không có thật, nên toàn bộ cuộc đối thoại đó chỉ là chuyện hư cấu. Nhưng tranh luận như thế có hợp lý không? Các câu Kinh Thánh khác cho thấy Gióp là một người có thật. Thí dụ, Gia-cơ 5:7-11 cho thấy Gióp là một tấm gương được nêu lên để thôi thúc tín đồ đạo Đấng Ki-tô tiếp tục chịu đựng gian khổ, cũng như an ủi chúng ta vì biết Đức Giê-hô-va ban thưởng cho sự chịu đựng như thế. Nếu Gióp không có thật và việc tấn công của Sa-tan là chuyện hư cấu, thì gương mẫu này có mang lại lợi ích gì không? Hơn nữa, cả Gióp, Nô-ê và Đa-ni-ên đều được kể là ba người công chính như Ê-xê-chi-ên 14:14, 20 nói. Như Nô-ê và Đa-ni-ên, Gióp là người có thật với đức tin mạnh. Nếu Gióp có thật thì kẻ công kích ông, nguồn bắt bớ ông, chẳng phải cũng là đối tượng có thật hay sao?

Rõ ràng, Kinh Thánh cho biết Sa-tan là thần linh có thật. Nhưng có lẽ bạn tự nhủ: “Ngày nay, hắn có thể gây nguy hại cho mình và gia đình mình không?”.

THỜI KỲ CỦA CHÚNG TA THÌ SAO?

Hãy hình dung một nhóm tội phạm đột nhiên tràn vào thành phố của bạn. Rõ ràng, sự an toàn cá nhân ngày càng bị đe dọa và tiêu chuẩn đạo đức của những người xung quanh sẽ xuống dốc. Hãy xem một tình huống tương tự: Sa-tan và đồng bọn của hắn, các thần linh có thật và giống Sa-tan đã phản nghịch Đức Chúa Trời, đột nhiên bị quăng xuống trái đất. Hậu quả là gì? Hãy nghĩ đến những điều bạn thấy qua tin tức địa phương và thế giới:

  • Bạn có thấy hành động bạo lực và dại dột đang gia tăng, bất chấp việc cả thế giới đang nỗ lực ngăn chặn không?

  • Bạn có thấy hình thức giải trí mang tính ma thuật ngày càng nhiều, bất chấp sự lo ngại của nhiều bậc cha mẹ?

  • Bạn có thấy môi trường bị hủy phá ngày càng nhiều, bất chấp việc người ta có thiện chí để nỗ lực cứu vãn nó?

  • Phải chăng có điều gì đó vô cùng bất ổn đối với xã hội—dường như có lực đang đẩy nhân loại sa vào vực thẳm?

Hãy xem Kinh Thánh nói ai đang ẩn đằng sau các vấn đề hiện nay: “Con rồng lớn ấy đã bị quăng xuống; đó là con rắn xưa kia, gọi là Kẻ Quỷ Quyệt và Sa-tan, là kẻ lừa gạt toàn thể dân cư trên đất; hắn đã bị quăng xuống trái đất, các sứ hắn cũng bị quăng xuống cùng với hắn... Khốn thay cho đất và biển, vì Kẻ Quỷ Quyệt đã xuống chỗ các người, hắn đang giận dữ vì biết mình chỉ còn một thời gian ngắn” (Khải huyền 12:9, 12). Sau khi xem xét bằng chứng, nhiều người kết luận rằng Sa-tan là một thần linh nguy hiểm, kẻ đang gây ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới.

Có lẽ bạn thắc mắc làm sao mình có thể tìm được sự che chở. Đây là mối lo ngại hợp lý. Bài kế tiếp sẽ cho biết một số sự giúp đỡ thiết thực.

^ đ. 12 Giê-hô-va là tên của Đức Chúa Trời được tiết lộ trong Kinh Thánh.