Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thế giới không còn thành kiến—Khi nào?

Thế giới không còn thành kiến—Khi nào?

“Tôi có một giấc mơ”. Cách đây 50 năm, vào ngày 28-8-1963, ông Martin Luther King, Jr., nhà lãnh đạo dân quyền Hoa Kỳ, đã phát biểu những lời này trong bài diễn văn nổi tiếng. Qua câu ấy, ông đã thổ lộ ước mơ, hay hy vọng của mình, là một ngày nào đó con người sẽ sống mà không có nạn kỳ thị chủng tộc. Dù khát vọng của ông được nói lên trước công chúng ở Hoa Kỳ, nhưng ý tưởng chính của giấc mơ ấy đã được người ta hưởng ứng trong nhiều nước.

Ông Martin Luther King, Jr., nói bài diễn văn về dân quyền

Ngày 20-11-1963, ba tháng sau khi ông King nói bài diễn văn, hơn 100 quốc gia đã thông qua Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về loại trừ mọi kỳ thị chủng tộc. Nhiều thập niên sau đó, các bản tuyên bố toàn cầu khác cũng ra đời. Rõ ràng, tất cả những nỗ lực đáng công này đã dẫn đến câu hỏi: “Kết quả thế nào?”.

Ngày 21-3-2012, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phát biểu: “Có nhiều hiệp ước và công cụ đáng giá—cũng như cơ cấu toàn cầu—để ngăn chặn và xóa bỏ nạn kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử, sợ người ngoại quốc và những điều liên quan khác. Tuy nhiên, kỳ thị chủng tộc vẫn gây ra đau khổ cho hàng triệu người khắp thế giới”.

Ngay cả những nước đạt một số tiến bộ trong việc đấu tranh chống lại nạn kỳ thị chủng tộc và thành kiến, nhưng câu hỏi vẫn còn: Liệu những tiến bộ này có thật sự loại trừ cảm xúc đã ăn sâu trong lòng hay chỉ kiềm chế để không thể hiện bên ngoài? Một số người tin rằng những tiến bộ này chỉ giúp cho việc ngăn chặn sự kỳ thị, nhưng có lẽ không thể loại trừ thành kiến. Tại sao? Vì sự kỳ thị là hành động được thấy rõ và bị luật pháp trừng phạt, nhưng thành kiến liên quan đến suy nghĩ và cảm xúc của con người, là điều khó kiểm soát.

Do đó, loại trừ thành kiến không chỉ là việc ngăn chặn hành động kỳ thị mà còn phải thay đổi cảm xúc và lối suy nghĩ của một người đối với người thuộc nhóm khác. Có thể làm được điều này không? Nếu có, bằng cách nào? Qua một số kinh nghiệm có thật, chúng ta sẽ thấy người ta không chỉ thay đổi được mà còn biết điều gì có thể giúp họ làm thế.

KINH THÁNH GIÚP HỌ VƯỢT QUA THÀNH KIẾN

“Tôi thấy mình không còn thành kiến nữa”.—Chị Linda

Chị Linda: Tôi sinh ra ở Nam Phi. Tôi xem người Nam Phi da màu là những người thấp kém, ít học, không đáng tin cậy, chỉ là nô lệ cho người da trắng. Tôi đã có thái độ thành kiến nhưng không nhận ra. Tuy nhiên, thái độ này bắt đầu thay đổi khi tôi tìm hiểu Kinh Thánh. Tôi biết rằng “Ðức Chúa Trời không hề thiên vị” và tấm lòng quan trọng hơn màu da hoặc ngôn ngữ (Công vụ 10:34, 35; Châm-ngôn 17:3). Câu Kinh Thánh nơi Phi-líp 2:3 giúp tôi biết rằng nếu xem mọi người cao trọng hơn mình, tôi sẽ vượt qua thành kiến. Áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh như thế đã giúp tôi quan tâm đến người khác dù họ có màu da nào. Giờ đây, tôi thấy mình không còn thành kiến nữa.

“Tôi dần dần biết quan điểm của Ðức Chúa Trời về con người”.—Anh Michael

Anh Michael: Tôi lớn lên trong vùng mà đa số dân là người Úc da trắng. Với thời gian, tôi rất thành kiến với người châu Á, nhất là người  Trung Quốc. Khi đang lái xe và thấy người có vẻ giống người châu Á, tôi quay kiếng xuống và mắng những lời như: “Về nước đi, tên châu Á kia!”. Sau này, khi tìm hiểu Kinh Thánh, tôi dần dần biết quan điểm của Ðức Chúa Trời về con người. Ngài yêu thương họ, dù họ đến từ nước nào hoặc ngoại diện ra sao. Tôi rất cảm động trước tình yêu thương như thế, sự thù ghét của tôi đã chuyển thành tình yêu thương. Cảm nghiệm sự thay đổi 180 độ này là điều lạ thường. Giờ đây, tôi rất vui khi kết hợp với những người từ các nước và gốc gác khác nhau. Ðiều này đã mở rộng tầm nhìn của tôi về đời sống, làm tôi rất hạnh phúc.

“Tôi điều chỉnh lối suy nghĩ và làm hòa”.—Chị Sandra

Chị Sandra: Quê mẹ tôi ở Umunede trong bang Delta, Nigeria. Tuy nhiên, quê nội tôi ở bang Edo và nói tiếng Esan. Vì khác biệt này mà mẹ tôi trở thành nạn nhân của sự thành kiến gay gắt từ bên nội cho đến ngày bà qua đời. Thế nên, tôi thề rằng sẽ không dính líu đến người nào nói tiếng Esan và sẽ không bao giờ kết hôn với bất kỳ ai ở bang Edo. Nhưng khi tìm hiểu Kinh Thánh, tôi bắt đầu xem mọi điều với quan điểm khác. Vì Kinh Thánh cho biết Ðức Chúa Trời không hề thiên vị và hễ ai kính sợ ngài thì được ngài chấp nhận, làm sao tôi có thể ghét người ta vì bộ tộc hay ngôn ngữ của họ? Tôi điều chỉnh lối suy nghĩ và làm hòa với gia đình bên nội. Áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh làm tôi rất hạnh phúc và có bình an nội tâm. Ðiều này cũng giúp tôi thân thiện với người khác cho dù họ có gốc gác, chủng tộc, ngôn ngữ hoặc quốc tịch nào. Rồi tôi đã kết hôn với ai? Anh ấy ở bang Edo và nói tiếng Esan!

Tại sao Kinh Thánh có thể giúp những người này và nhiều người khác vượt qua sự thù ghét và thành kiến đã ăn sâu trong lòng? Vì Kinh Thánh là Lời Ðức Chúa Trời, có quyền lực thay đổi lối suy nghĩ, cảm xúc của một người đối với  người khác. Hơn nữa, Kinh Thánh cho biết cần có điều gì khác để chấm dứt mọi thành kiến.

NƯỚC ÐỨC CHÚA TRỜI SẼ CHẤM DỨT MỌI THÀNH KIẾN

Dù sự hiểu biết về Kinh Thánh giúp kiểm soát và loại bỏ cảm xúc mạnh mẽ, nhưng có hai yếu tố khác cần được giải quyết trước khi nạn thành kiến hoàn toàn chấm dứt. Thứ nhất, khuynh hướng tội lỗi của con người. Kinh Thánh nói: “Không có người nào chẳng phạm tội” (1 Các Vua 8:46). Thế nên, dù cố gắng đến đâu, chúng ta vẫn đối mặt với sự giằng co trong thâm tâm như sứ đồ Phao-lô: “Khi tôi muốn làm điều đúng thì điều xấu cũng ở trong tôi” (Rô-ma 7:21). Do đó, đôi khi lòng chúng ta sẽ có “những ý nghĩ xấu xa”, điều có thể dẫn đến thành kiến.—Mác 7:21.

Thứ hai, ảnh hưởng của Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt. Kinh Thánh gọi hắn là “kẻ giết người” và “kẻ lừa gạt toàn thể dân cư trên đất” (Giăng 8:44; Khải huyền 12:9). Ðiều này giúp hiểu tại sao nạn thành kiến quá phổ biến và nguyên do khiến nhân loại dường như bất lực trước sự cố chấp, kỳ thị, nạn diệt chủng và các sự phân biệt khác về tầng lớp xã hội, chủng tộc và tôn giáo.

Thế nên, để nạn thành kiến có thể hoàn toàn biến mất thì trước hết khuynh hướng tội lỗi con người và ảnh hưởng của Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt hẳn phải bị xóa bỏ. Kinh Thánh cho biết Nước Ðức Chúa Trời sẽ thực hiện điều này.

Chúa Giê-su Ki-tô dạy các môn đồ cầu nguyện với Ðức Chúa Trời: “Xin Nước Cha được đến, ý Cha được thực hiện ở trên trời cũng như dưới đất” (Ma-thi-ơ 6:10). Qua Nước Ðức Chúa Trời, mọi bất công—kể cả mọi sự phân biệt và thành kiến—sẽ không còn nữa.

Khi Nước Ðức Chúa Trời đến và trị vì trái đất, Sa-tan sẽ bị “xiềng”, tức bị giam, để hắn “không lừa dối các dân được nữa” (Khải huyền 20:2, 3). Lúc ấy, sẽ có “đất mới” hay xã hội con người, trong đó “sự công chính sẽ tồn tại mãi mãi”. *2 Phi-e-rơ 3:13.

Những người sống trong xã hội loài người công chính này sẽ đạt đến sự hoàn hảo, thoát được tội lỗi (Rô-ma 8:21). Là thần dân của Nước Ðức Chúa Trời, họ sẽ “chẳng làm hại, chẳng giết ai”. Tại sao? “Vì thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Ðức Giê-hô-va” (Ê-sai 11:9). Lúc ấy, nhân loại sẽ học biết đường lối của Giê-hô-va Ðức Chúa Trời và noi theo cách yêu thương của ngài. Kết quả là mọi thành kiến sẽ thật sự biến mất “vì Ðức Chúa Trời không thiên vị ai”.—Rô-ma 2:11.

^ đ. 17 Ðể biết thêm thông tin về Nước Ðức Chúa Trời và điều Nước này sắp thực hiện, xem chương 3, 8 và 9 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.