Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đối phó với thiên tai

Đối phó với thiên tai

Trước tình trạng thiên tai xảy ra ngày càng nhiều và mức độ hủy phá càng nghiêm trọng, một người có thể làm gì để đối phó? Hãy xem vài bước thực tiễn sau.

Tránh khu vực có thảm họa.

Kinh Thánh nói: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình; nhưng kẻ ngu-muội cứ đi luôn, và mắc phải vạ” (Châm-ngôn 22:3). Đây là lời khuyên khôn ngoan có thể áp dụng khi gặp thảm họa. Nếu nghe lời cảnh báo về nguy cơ núi lửa phun, có lũ lụt hoặc một cơn bão hay cuồng phong sắp đến, những người thuộc khu vực bị ảnh hưởng nên khôn ngoan sơ tán đến nơi an toàn hơn. Mạng sống quan trọng hơn nhà cửa hay những tài sản khác.

Có lẽ một số người có điều kiện để chọn không sống ở nơi có nhiều nguy cơ. Một chuyên gia nói: “Phần lớn nguy cơ xảy ra thảm họa tập trung theo vị trí địa lý. Chỉ một phần rất nhỏ của bề mặt Trái Đất có nguy cơ cao nhất, và trong tương lai hầu hết các thảm họa trên bình diện lớn sẽ xuất hiện ở những khu vực này”. Chẳng hạn, thảm họa có thể xảy ra ở những vùng duyên hải thấp hoặc khu vực gần vết phay, tức những đường đứt gãy trên bề mặt trái đất. Nếu có thể tránh sống ở những nơi có nguy cơ thảm họa cao hoặc dọn đến khu vực an toàn hơn, bạn sẽ giảm thiểu nguy cơ gánh chịu thảm họa.

Có kế hoạch.

Dù đã lường trước mọi việc, bạn vẫn có thể trở thành nạn nhân của một thảm họa bất ngờ. Nếu có kế hoạch trước thì sẽ dễ đối phó hơn. Điều này đúng với lời khuyên nơi Châm-ngôn 22:3 được trích ở trên. Bạn có sẵn một túi dự phòng khẩn cấp không? Một cuốn sách hướng dẫn cách đối phó với thảm họa (1-2-3 of Disaster Education) đề nghị nên mang theo những vật sau: dụng cụ y tế, bình nước, thực phẩm có thể để lâu và những giấy tờ quan trọng. Cũng khôn ngoan khi bạn cùng gia đình xem xét các thảm họa có thể xảy ra và nên làm gì trong mỗi trường hợp.

Giữ mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời.

Điều này có thể giúp ích trong bất cứ hoàn cảnh nào. Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời là “Cha đầy lòng thương xót và là Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi. Ngài an ủi chúng ta trong mọi hoạn nạn”. Một câu khác miêu tả Đức Chúa Trời là “đấng an ủi những người ngã lòng”.—2 Cô-rinh-tô 1:3, 4; 7:6.

Đúng vậy, Đức Chúa Trời thật sự chú ý đến hoàn cảnh của những người đặt đức tin nơi ngài. Ngài là Đức Chúa Trời của tình yêu thương và ban sự khích lệ qua nhiều cách khác nhau (1 Giăng 4:8). Cầu xin có thần khí mạnh mẽ của Đức Chúa Trời, thay vì phép lạ, sẽ hữu ích trong bất cứ cảnh ngộ nào. Thần khí có thể giúp nhớ lại các câu Kinh Thánh an ủi và xoa dịu lòng những người đang trải qua nghịch cảnh. Thật thế, những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời có thể cảm nghiệm như Đa-vít, một vị vua Y-sơ-ra-ên xưa, đã viết: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai-họa nào; vì Chúa ở cùng tôi: Cây trượng và cây gậy của Chúa an-ủi tôi”.—Thi-thiên 23:4.

Cầu xin có thần khí mạnh mẽ của Đức Chúa Trời, thay vì phép lạ, sẽ hữu ích trong bất cứ cảnh ngộ nào

Anh em đồng đạo giúp đỡ nhau.

Vào thế kỷ thứ nhất, một tiên tri đạo Đấng Ki-tô tên là A-ga-bô đã nói đến “nạn đói lớn trên khắp xứ; nạn đói này quả đã xảy ra vào thời hoàng đế Cơ-lo-đi-ô”. Nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều môn đồ của Chúa Giê-su ở Giu-đa. Các môn đồ ở những nơi khác đã làm gì khi nghe về hoàn cảnh khó khăn của anh em đồng đạo tại đó? Lời tường thuật cho biết: “Các môn đồ quyết định cứu trợ anh em ở xứ Giu-đa, mỗi người đóng góp tùy theo khả năng” (Công-vụ 11:28, 29). Họ thể hiện tình yêu thương bằng cách cung cấp đồ cứu trợ cho anh em.

Khi các thảm họa nghiêm trọng xảy ra ngày nay, những người phụng sự Đức Chúa Trời cũng phản ứng tương tự. Nhân Chứng Giê-hô-va nổi tiếng về việc giúp đỡ anh em đồng đạo. Chẳng hạn, khi một trận động đất lớn xảy ra ở Chile vào ngày 27-2-2010, Nhân Chứng Giê-hô-va lập tức đến giúp đỡ những người bị nạn. Chị Karla, người bị mất nhà trong một trận sóng thần, kể lại: “Thật an ủi và khích lệ khi thấy ngay hôm sau [anh em Nhân Chứng đồng đạo] từ các khu vực khác đến giúp đỡ chúng tôi. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đã an ủi chúng tôi qua hành động tử tế của những anh chị tình nguyện ấy. Tôi cảm thấy được yêu thương và che chở”. Ông ngoại của chị dù không phải là một Nhân Chứng nhưng đã quan sát hành động giúp đỡ ấy. Ông nói: “Điều này khác hẳn với những gì tôi thấy suốt nhiều năm trong nhà thờ”. Vì thế, ông xin tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va.

Anh em đồng đạo giúp đỡ nhau đương đầu với hậu quả của thảm họa

Kết hợp với những người yêu mến Đức Chúa Trời là điều vô cùng hữu ích trong lúc đương đầu với nghịch cảnh. Dù vậy, có khi nào trái đất sẽ hoàn toàn không còn thảm họa thiên nhiên không? Hãy xem Kinh Thánh nói gì về điều này.