Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Việc buôn nô lệ giữa châu Phi và châu Mỹ mang lại nhiều lợi nhuận

Thoát ách nô lệ—Xưa và nay

Thoát ách nô lệ—Xưa và nay

Chị Blessing * đến châu Âu vì được hứa hẹn sẽ nhận công việc làm tóc. Nhưng sự thật không như thế. Người ta đánh đập chị liên tục trong mười ngày và dọa sẽ hành hung gia đình chị ở quê nhà nếu chị không làm nghề mại dâm. Chị buộc phải theo lời họ.

Hình nô lệ ở Ai Cập xưa

Chị Blessing phải kiếm 200 đến 300 euro mỗi đêm để trả món nợ 40.000 euro * mà tú bà đặt ra. Chị cho biết: “Tôi thường nghĩ đến việc bỏ trốn, nhưng lại sợ gia đình sẽ gặp chuyện. Tôi hoàn toàn bất lực”. Trường hợp của chị là một điển hình trong khoảng bốn triệu người đang làm nô lệ cho ngành công nghiệp tình dục quốc tế.

Khoảng 4.000 năm trước, ông Giô-sép khi còn là một thiếu niên đã bị các anh mình bán làm nô lệ, và cuối cùng làm việc cho một nhà quyền quý người Ai Cập. Ban đầu, ông không bị chủ ngược đãi như trường hợp của chị Blessing. Nhưng khi cự tuyệt sự dụ dỗ của vợ chủ, ông bị kết án một cách bất công là toan hãm hiếp bà. Thế là ông phải chịu cảnh tù tội và xiềng xích.—Sáng-thế Ký 39:1-20; Thi-thiên 105:17, 18.

Ông Giô-sép là nô lệ thời xưa, còn chị Blessing là nô lệ trong thế kỷ 21. Cả hai đều là nạn nhân của hoạt động buôn người đã có từ lâu đời, một ngành kinh doanh xem con người như hàng hóa và dùng mọi thủ đoạn để kiếm tiền.

NẠN BUÔN BÁN NÔ LỆ PHÁT ĐẠT NHỜ CHIẾN TRANH

Lịch sử cho thấy chiến tranh là cách dễ nhất để các nước đoạt được nô lệ. Người ta cho rằng sau một cuộc chinh phục ở Ca-na-an, vua Thutmose III của Ai Cập đã đem 90.000 tù binh về làm nô lệ. Người Ai Cập bắt các nô lệ này đi khai thác mỏ, xây đền thờ và đào kênh.

Vào thời Đế quốc La Mã, chiến tranh cũng cung cấp một số lượng lớn nô lệ, và đôi khi nhu cầu cần nô lệ dẫn đến chiến tranh. Người ta ước tính vào thế kỷ thứ nhất, số lượng nô lệ chiếm gần phân nửa dân số của thành Rô-ma. Nhiều nô lệ của người Ai Cập và La Mã bị bóc lột thậm tệ. Một bằng chứng là tuổi thọ của nô lệ làm việc tại các mỏ của người La Mã chỉ đến khoảng 30.

Qua thời gian, chế độ nô lệ cũng không có gì tốt hơn. Từ thế kỷ 16 đến 19, việc buôn bán nô lệ giữa châu Phi và châu Mỹ là một trong những hình thức kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Theo một báo cáo từ UNESCO, có khoảng 25 đến 30 triệu đàn ông, đàn bà và trẻ em đã bị bắt cóc và bị bán. Người ta ước tính có hàng trăm ngàn người đã chết trong chuyến hành trình xuyên Đại Tây Dương. Một người sống sót tên Olaudah Equiano kể lại: “Phụ nữ gào thét inh ỏi, người sắp chết rên rỉ thảm thiết. Cảnh tượng đó thật khủng khiếp, không có lời nào diễn tả nổi”.

Đáng buồn là chế độ nô lệ không chỉ là thảm kịch trong quá khứ. Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế, khoảng 21 triệu đàn ông, đàn bà và trẻ em vẫn đang làm nô lệ, với mức lương rẻ mạt hoặc không lương. Nô lệ thời nay lao động tại các mỏ, xí nghiệp bóc lột, nhà máy gạch, nhà chứa và nhà riêng của chủ. Dù bất hợp pháp nhưng việc bóc lột sức lao động như thế đang ngày càng gia tăng.

Hàng triệu người vẫn bị buộc làm nô lệ

THOÁT ÁCH NÔ LỆ ĐỂ GIÀNH TỰ DO

Việc bị đối xử tàn bạo đã khiến nô lệ phải tranh đấu để giành tự do. Vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, đấu sĩ Spartacus cùng khoảng 100.000 nô lệ khác đã nổi dậy chống lại La Mã nhưng không thành công. Vào thế kỷ 18, nô lệ tại đảo Hispaniola ở vùng Ca-ri-bê đã đứng lên chống lại các chủ của họ. Việc nô lệ bị ngược đãi khủng khiếp tại các đồn điền mía đã châm ngòi cho cuộc nội chiến kéo dài 13 năm, và cuối cùng dẫn đến sự thành lập nước Haiti độc lập vào năm 1804.

Tuy nhiên, cuộc giải phóng nô lệ thành công nhất lịch sử là sự kiện dân Y-sơ-ra-ên thoát khỏi Ai Cập. Cả nước gồm khoảng ba triệu dân đã được giải thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Họ chắc chắn xứng đáng được tự do. Tại sao? Vì Kinh Thánh nói rằng dưới ách nô lệ của Ai Cập, họ bị ‘bắt làm nhọc-nhằn lắm’ (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:11-14). Thậm chí, một Pha-ra-ôn đã phát động chiến dịch giết trẻ sơ sinh nhằm kìm hãm sự gia tăng của dân Y-sơ-ra-ên.—Xuất Ê-díp-tô Ký 1:8-22.

Cuộc giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi sự ngược đãi bất công tại Ai Cập là sự kiện đặc biệt vì chính Đức Chúa Trời đã can thiệp. Ngài nói với Môi-se: “Ta biết được nỗi đau-đớn của nó... Ta ngự xuống đặng cứu dân nầy” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:7, 8). Đến ngày nay, con cháu của họ là người Do Thái ở khắp nơi vẫn tổ chức Lễ Vượt Qua mỗi năm để tưởng nhớ sự kiện ấy.—Xuất Ê-díp-tô Ký 12:14.

ÁCH NÔ LỆ SẼ BỊ LOẠI TRỪ VĨNH VIỄN

Kinh Thánh cho biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời “không có bất công”, và cũng đảm bảo rằng ngài không thay đổi (2 Sử-ký 19:7, Bản Dịch Mới; Ma-la-chi 3:6). Đức Chúa Trời phái Chúa Giê-su xuống thế để “rao sự giải thoát cho người bị giam cầm... để giải phóng người bị áp bức” (Lu-ca 4:18). Có phải ngài sẽ giải thoát mọi nô lệ theo nghĩa đen không? Hẳn là không. Chúa Giê-su được phái đến để giải thoát người ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Ngài nói: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Giăng 8:32). Thậm chí đến nay, sự thật mà Chúa Giê-su dạy vẫn đang giải thoát người ta theo nhiều cách.—Xin xem khung “ Được giải thoát khỏi một ách nô lệ khác”.

Trên thực tế, Đức Chúa Trời đã giúp ông Giô-sép và chị Blessing thoát khỏi ách nô lệ theo cách khác nhau. Bạn có thể đọc lời tường thuật đáng chú ý về Giô-sép nơi sách Sáng-thế Ký, chương 39 đến 41 trong Kinh Thánh. Hành trình tìm kiếm tự do của chị Blessing cũng không kém đặc biệt.

Sau khi bị trục xuất khỏi một nước ở châu Âu, chị Blessing đã đến Tây Ban Nha. Tại đây, chị gặp Nhân Chứng Giê-hô-va và bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với họ. Quyết tâm làm lại cuộc đời, chị đã tìm một công việc khác và thuyết phục tú bà trước đây giảm khoản nợ mà chị phải trả hàng tháng. Một ngày nọ, tú bà đã gọi cho chị. Bà muốn xóa nợ cho chị và xin chị tha thứ. Chuyện gì đã xảy ra? Bà cũng đã bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va! Chị Blessing chia sẻ: “Sự thật giải thoát người ta một cách tuyệt vời”.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời đau buồn khi thấy dân Y-sơ-ra-ên bị ngược đãi dưới ách nô lệ của Ai Cập. Ngài cũng cảm thấy thế trước sự bất công tương tự đang diễn ra ngày nay. Dù cần có sự thay đổi rất lớn trong xã hội loài người để chấm dứt mọi ách nô lệ, nhưng Đức Chúa Trời hứa sẽ thực hiện sự thay đổi ấy. Kinh Thánh nói: “Sẽ có trời mới và đất mới như chúng ta đang chờ đợi theo lời hứa của ngài, và nơi đó sự công chính sẽ tồn tại mãi mãi”.—2 Phi-e-rơ 3:13.

^ đ. 2 Tên đã được thay đổi.

^ đ. 3 Vào lúc đó, một euro có giá trị khoảng bằng một đô-la Mỹ.