Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi các bạn trẻ—Các bạn sẵn sàng làm báp-têm chưa?

Hỡi các bạn trẻ—Các bạn sẵn sàng làm báp-têm chưa?

“Có ai trong anh em muốn xây một cái tháp mà trước hết không ngồi xuống tính phí tổn, xem mình có đủ để hoàn tất không?”.—LU 14:28.

BÀI HÁT: 120, 64

Hai bài sau đây dành cho những người trẻ đang nghĩ đến việc làm báp-têm

1, 2. (a) Ngày nay, điều gì khiến dân của Đức Chúa Trời vui mừng? (b) Bằng cách nào các bậc cha mẹ tin kính và các trưởng lão có thể giúp các em trẻ hiểu ý nghĩa của việc báp-têm?

Một trưởng lão nói với Christopher, một em 12 tuổi: “Tôi biết em từ lúc em chào đời và tôi rất vui khi biết là em muốn làm báp-têm. Tôi muốn hỏi em rằng ‘Tại sao em muốn thực hiện bước này?’”. Anh trưởng lão đã đưa ra một câu hỏi hợp lý. Dĩ nhiên, chúng ta rất vui mừng khi thấy mỗi năm có hàng ngàn em trẻ khắp nơi trên thế giới làm báp-têm (Truyền 12:1). Đồng thời, cha mẹ các em và các trưởng lão trong hội thánh muốn đảm bảo là những người trẻ ấy không chỉ tình nguyện đưa ra quyết định mà còn quyết định dựa trên cơ sở vững chắc.

2 Lời Đức Chúa Trời cho biết việc dâng mình và làm báp-têm là sự khởi đầu của một đời sống sẽ giúp các tín đồ hưởng được những ân phước từ Đức Giê-hô-va, nhưng đồng thời họ cũng sẽ trải qua sự chống đối đến từ Sa-tan (Châm 10:22; 1 Phi 5:8). Do đó, các bậc cha mẹ tin kính sẽ dành thời gian để dạy cho con cái biết việc làm môn đồ của Đấng Ki-tô bao hàm điều gì. Đối với những em trẻ không có cha mẹ là Nhân Chứng, các trưởng lão trong hội thánh sẽ yêu thương giúp họ “tính phí tổn” của việc làm môn đồ. (Đọc Lu-ca 14:27-30). Giống như việc cần có kế hoạch để hoàn tất thành công một dự án xây dựng, thì cũng cần có sự chuẩn bị để phụng sự Đức Giê-hô-va một cách trung thành “cho đến cuối cùng” (Mat 24:13). Nhưng bản thân các em trẻ có thể làm gì để quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va trong suốt đời mình? Chúng ta hãy cùng xem xét.

3. (a) Những lời của Chúa Giê-su và Phi-e-rơ dạy cho chúng ta biết gì về tầm quan trọng của việc làm báp-têm? (Mat 28:19, 20; 1 Phi 3:21). (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào, và tại sao?

3 Bạn có phải là một người trẻ đang nghĩ đến việc làm báp-têm không? Nếu đúng vậy, bạn thật đáng khen! Việc làm báp-têm để trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va quả là đặc ân lớn. Hơn nữa, báp-têm là một đòi hỏi đối với các tín đồ đạo Đấng Ki-tô và là một bước quan trọng để có thể đạt được sự cứu rỗi (Mat 28:19, 20; 1 Phi 3:21). Vì ước muốn chân thành của bạn là giữ lời hứa nguyện mà mình sẽ hứa với Đức Giê-hô-va, bạn muốn chuẩn bị cho bước quan trọng ấy. Do đó, bạn nên xem xét ba câu hỏi có thể giúp bạn nhận thấy mình đã sẵn sàng để làm báp-têm hay chưa. Những câu hỏi đó là: (1) Tôi đã đủ chín chắn để đưa ra quyết định ấy chưa? (2) Chính tôi có ước muốn làm thế không? (3) Tôi có hiểu ý nghĩa của việc dâng mình cho Đức Giê-hô-va không? Hãy cùng xem xét những câu hỏi đó.

KHI NÀO BẠN ĐỦ CHÍN CHẮN?

4, 5. (a) Tại sao báp-têm không phải là việc chỉ dành cho người lớn? (b) Thế nào là một tín đồ chín chắn?

4 Kinh Thánh không cho rằng chỉ những ai đã lớn hoặc đã đạt đến một độ tuổi nhất định, tuổi mà có lẽ được ban những quyền nào đó về pháp lý thì mới có thể làm báp-têm. Châm-ngôn 20:11 nói: “Công-việc con trẻ làm, hoặc trong-sạch hoặc chánh-đáng, cũng đều tỏ bổn-tánh nó ra”. Vì thế, ngay cả một em trẻ cũng có thể nhận ra việc làm điều đúng và dâng mình cho Đấng Tạo Hóa có nghĩa gì. Do đó, báp-têm là một bước quan trọng và thích hợp đối với một người trẻ đã biểu lộ sự chín chắn đáng kể và đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va.—Châm 20:7.

5 Thế nào là người chín chắn? Sự chín chắn bao hàm nhiều hơn là sự phát triển về thể chất. Kinh Thánh nói rằng người trưởng thành, hay chín chắn, là người có ‘khả năng nhận thức được luyện tập để phân biệt điều đúng, điều sai’ (Hê 5:14). Vậy, những người chín chắn biết điều gì là đúng trước mắt Đức Giê-hô-va và quyết định trong lòng rằng họ sẽ làm theo những điều ấy. Nhờ thế, họ không dễ bị lôi cuốn làm điều sai; họ cũng không phải luôn luôn cần được thúc giục để làm điều đúng. Hợp lý để mong đợi rằng một người trẻ làm báp-têm sẽ ủng hộ các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời ngay cả khi cha mẹ hoặc những người lớn khác không có mặt.—So sánh Phi-líp 2:12.

6, 7. (a) Hãy miêu tả những thử thách mà Đa-ni-ên phải đối mặt khi ở Ba-by-lôn. (b) Đa-ni-ên đã chứng tỏ sự chín chắn như thế nào?

6 Liệu những người trẻ có thể biểu lộ sự chín chắn như thế không? Hãy xem xét một gương trong Kinh Thánh là Đa-ni-ên. Khi bị buộc phải lìa xa cha mẹ và lưu đày đến Ba-by-lôn, có lẽ Đa-ni-ên mới bước sang tuổi thanh thiếu niên. Đột nhiên, Đa-ni-ên thấy mình sống giữa một dân tộc có quan niệm hoàn toàn khác biệt về điều đúng và điều sai. Bên cạnh đó, có một thử thách khác trong trường hợp của Đa-ni-ên: Cậu được đối xử như một người đặc biệt tại Ba-by-lôn. Thực tế, Đa-ni-ên là một trong số những người trẻ được lựa chọn kỹ càng để đứng trước mặt vua! (Đa 1:3-5, 13). Dường như ở Ba-by-lôn, Đa-ni-ên có những cơ hội mà có lẽ cậu sẽ không bao giờ có tại Y-sơ-ra-ên.

7 Người trẻ Đa-ni-ên đã phản ứng ra sao trước tất cả những điều này? Cậu có bị lôi cuốn bởi sự vinh quang tráng lệ của Ba-by-lôn không? Cậu có để cho môi trường mới làm biến đổi mình hoặc hủy hoại đức tin của mình không? Hoàn toàn không! Kinh Thánh nói rằng trong khi ở Ba-by-lôn, Đa-ni-ên “quyết-định trong lòng rằng không chịu ô-uế” bởi bất cứ điều gì dính líu đến sự thờ phượng sai lầm (Đa 1:8). Đa-ni-ên đã biểu lộ sự chín chắn nổi bật!

Một người trẻ chín chắn không hành động như một người bạn của Đức Giê-hô-va khi ở Phòng Nước Trời, đồng thời lại hành động như một người bạn của thế gian khi ở trường học (Xem đoạn 8)

8. Bạn có thể học được gì từ gương của Đa-ni-ên?

8 Bạn có thể học được gì từ gương của Đa-ni-ên? Một bài học có thể được rút ra là người trẻ chín chắn sẽ có niềm tin vững chắc. Người ấy không giống như một con tắc kè hoa, loại tắc kè thay đổi màu sắc để phù hợp với môi trường. Người ấy không hành động như một người bạn của Đức Giê-hô-va khi ở Phòng Nước Trời, đồng thời lại hành động như một người bạn của thế gian khi ở trường học. Thay vì bị chao đảo, người ấy đứng vững ngay cả trong những thử thách về đức tin.—Đọc Ê-phê-sô 4:14, 15.

9, 10. (a) Một người trẻ có thể được lợi ích ra sao khi nghĩ về cách mình phản ứng trước những thử thách gần đây về đức tin? (b) Ý nghĩa của việc báp-têm là gì?

9 Dĩ nhiên không có ai là hoàn hảo. Những người trẻ cũng như người lớn đều có lúc phạm lỗi (Truyền 7:20). Dù vậy, nếu bạn đang nghĩ đến việc làm báp-têm, sẽ là khôn ngoan khi xem xét mức độ quyết tâm của bạn trong việc làm theo các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Bạn có thể xác định được mức độ quyết tâm của mình bằng cách nào? Hãy tự hỏi: “Trong thời gian qua mình có vâng lời Đức Giê-hô-va không?”. Hãy nghĩ về cách bạn phản ứng trước những thử thách gần đây về đức tin. Bạn có cho thấy rằng mình có sự nhận thức cần thiết để phân biệt điều đúng, điều sai? Nói sao nếu bạn được ai đó trong thế gian của Sa-tan đối xử một cách đặc biệt, giống như Đa-ni-ên? Bạn có thể “tiếp tục tìm hiểu để biết ý muốn của Đức Giê-hô-va” không, ngay cả khi ý muốn của ngài trái ngược với điều mà bạn muốn làm?—Ê-phê 5:17.

10 Tại sao chúng ta nêu lên những câu hỏi thẳng thắn ấy? Những câu hỏi này được đưa ra để giúp bạn có quan điểm đúng về việc báp-têm. Như được đề cập ở trên, việc làm báp-têm biểu trưng rằng bạn đã hứa nguyện một cách trang trọng với chính Đức Giê-hô-va là bạn sẽ hết lòng yêu thương và phụng sự ngài mãi mãi (Mác 12:30). Mỗi người làm báp-têm cần quyết tâm giữ lời hứa của mình.—Đọc Truyền-đạo 5:4, 5.

ĐÓ CÓ PHẢI LÀ ƯỚC MUỐN CỦA CHÍNH BẠN KHÔNG?

11, 12. (a) Một người đang nghĩ đến việc làm báp-têm cần chắc chắn về điều gì? (b) Điều gì sẽ giúp bạn giữ quan điểm đúng đối với sắp đặt của Đức Giê-hô-va về việc làm báp-têm?

11 Kinh Thánh nói rằng dân của Đức Giê-hô-va, trong đó có những người trẻ, sẽ “tình-nguyện” phụng sự ngài (Thi 110:3). Thế nên, một người đang nghĩ đến việc làm báp-têm cần chắc chắn rằng đó là ước muốn của chính mình. Điều này có lẽ đòi hỏi bạn phải cẩn thận tra xét bản thân, đặc biệt nếu bạn lớn lên trong sự thật.

12 Những năm qua, rất có thể bạn đã thấy nhiều người làm báp-têm, có lẽ bao gồm một số người bạn và ngay cả những anh chị em của bạn. Nếu ở trong trường hợp đó, bạn nên cẩn thận về điều gì? Hãy cẩn thận để không xem báp-têm đơn thuần là một việc mà không sớm thì muộn, mọi người trẻ sẽ làm khi đến độ tuổi nhất định. Bạn có thể làm gì để chắc chắn rằng bạn sẽ giữ quan điểm đúng đối với sắp đặt của Đức Giê-hô-va về việc làm báp-têm? Hãy thường xuyên dành thời gian để nghĩ về những lý do cho thấy tại sao việc làm báp-têm là điều rất quan trọng. Bạn có thể tìm được một số lý do chính đáng trong bài này và bài tới.

13. Làm thế nào bạn có thể biết liệu quyết định làm báp-têm có xuất phát từ lòng mình không?

13 Có những cách giúp bạn nhận ra liệu quyết định làm báp-têm có xuất phát từ lòng mình không. Chẳng hạn, ước muốn chân thành phụng sự Đức Giê-hô-va sẽ được phản ánh trong những lời cầu nguyện của bạn. Việc bạn cầu nguyện thường xuyên đến mức nào và cụ thể ra sao có thể cho thấy mối quan hệ của bạn với Đức Giê-hô-va mật thiết đến đâu (Thi 25:4). Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện qua một cách quan trọng là hướng sự chú ý của chúng ta vào Lời ngài. Do đó, nỗ lực trong việc học hỏi Kinh Thánh là một dấu hiệu khác cho thấy chúng ta thật sự muốn đến gần Đức Giê-hô-va hơn và thật lòng muốn phụng sự ngài (Giô-suê 1:8). Vì vậy, hãy tự hỏi: “Mình cầu nguyện cụ thể đến mức nào? Mình có học hỏi Kinh Thánh cá nhân đều đặn không?”. Nếu gia đình bạn có Buổi thờ phượng của gia đình, hãy tự hỏi: “Mình có tình nguyện tham gia sắp đặt này không?”. Câu trả lời của bạn cho những câu hỏi này sẽ giúp bạn nhận ra liệu quyết định làm báp-têm có phải là ước muốn của chính mình không.

Ý NGHĨA CỦA SỰ DÂNG MÌNH

14. Hãy cho biết sự khác biệt giữa việc dâng mình và báp-têm.

14 Một số người có lẽ không nhận thấy rõ sự khác biệt giữa việc dâng mình và báp-têm. Chẳng hạn, một số người trẻ nói rằng họ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va nhưng chưa sẵn sàng làm báp-têm. Điều này có hợp lý không? Dâng mình có nghĩa là nói với Đức Giê-hô-va rằng bạn sẽ phụng sự ngài mãi mãi. Khi làm báp-têm, một người cho những người khác thấy rằng người ấy đã dâng mình. Do đó, báp-têm là biểu hiện công khai của sự dâng mình mà bạn đã thực hiện trong lời cầu nguyện riêng với Đức Giê-hô-va. Trước khi làm báp-têm, bạn cần chắc chắn rằng bạn đã hiểu sự dâng mình có nghĩa gì.

15. Dâng mình có nghĩa gì?

15 Nói đơn giản, khi dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va, bạn không còn thuộc về chính mình. Bạn hứa với Đức Giê-hô-va rằng bạn sẽ đặt việc làm theo ý muốn ngài lên trên bất cứ điều gì khác trong đời sống. (Đọc Ma-thi-ơ 16:24). Lời hứa nào cũng nên được xem trọng, huống chi là lời hứa với Giê-hô-va Đức Chúa Trời! (Mat 5:33). Nhưng làm thế nào bạn có thể cho thấy rằng bạn đã thật sự từ bỏ chính mình và giờ đây, bạn thuộc về Đức Giê-hô-va?—Rô 14:8.

16, 17. (a) Hãy minh họa ý nghĩa của việc từ bỏ chính mình. (b) Khi dâng mình, một người thật sự nói gì với Đức Giê-hô-va?

16 Để minh họa, hãy hình dung một người bạn tặng cho bạn một chiếc xe. Người ấy giao cho bạn giấy tờ sở hữu và nói: “Chiếc xe này là của cậu”. Nhưng giả sử người bạn đó nói thêm: “Mình sẽ giữ chìa khóa và mình sẽ là người lái xe, chứ không phải cậu”. Bạn sẽ cảm thấy ra sao về “món quà” đó? Bạn sẽ cảm thấy thế nào về người tặng?

17 Giờ đây, hãy nghĩ về điều Đức Giê-hô-va có quyền mong đợi nơi một người dâng mình cho ngài. Người ấy nói với ngài: “Con dâng cho Cha đời sống của con. Con thuộc về Cha”. Nói sao nếu người ấy bắt đầu có lối sống hai mặt, chẳng hạn như bí mật hẹn hò với một người không cùng đức tin? Nói sao nếu người ấy chấp nhận một công việc khiến mình không thể phụng sự hết lòng trong thánh chức hoặc không thể tham dự các buổi nhóm họp? Chẳng phải điều này giống như việc giữ chìa khóa của chiếc xe sao? Một người dâng mình cho Đức Giê-hô-va như thể nói rằng: “Đời sống của con thuộc về Cha nhiều hơn là thuộc về con. Nếu có bao giờ điều Cha muốn mâu thuẫn với điều bản thân con muốn thì điều Cha muốn sẽ luôn luôn thắng”. Thái độ ấy sẽ phản ánh lối suy nghĩ của Chúa Giê-su. Khi còn sống trên đất, ngài đã nói: “Tôi từ trời xuống, không phải để làm theo ý tôi mà theo ý đấng phái tôi đến”.—Giăng 6:38.

18, 19. (a) Làm thế nào những lời của Rose và Christopher cho thấy rằng việc báp-têm là một đặc ân dẫn đến nhiều ân phước? (b) Bạn cảm thấy thế nào về đặc ân làm báp-têm?

18 Rõ ràng, báp-têm là một bước nghiêm túc mà bạn hay bất cứ ai khác cũng không nên xem nhẹ. Đồng thời, việc dâng mình và báp-têm cũng là một đặc ân lớn. Những người trẻ yêu mến Đức Giê-hô-va và hiểu sự dâng mình có nghĩa gì thì sẽ không trì hoãn việc làm báp-têm; họ cũng không bao giờ hối tiếc về quyết định của mình. Rose, một em ở tuổi thanh thiếu niên và đã làm báp-têm, chia sẻ: “Em yêu mến Đức Giê-hô-va và không gì khác có thể khiến em hạnh phúc hơn việc phụng sự ngài. Em chưa bao giờ chắc chắn về bất cứ điều gì hơn quyết định làm báp-têm”.

19 Còn về Christopher, người được đề cập nơi đầu bài thì sao? Quyết định làm báp-têm của anh khi ở tuổi 12 có chứng tỏ là được dựa trên cơ sở vững chắc không? Christopher vui mừng khi nhìn lại việc dâng mình và làm báp-têm. Người trẻ ấy đã bắt đầu phụng sự với tư cách tiên phong đều đều ở tuổi 17 và được bổ nhiệm làm phụ tá ở tuổi 18. Hiện nay, anh đang phụng sự tại nhà Bê-tên. Christopher nói: “Báp-têm là quyết định đúng. Đời sống của tôi tràn đầy những công việc thỏa nguyện cho Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài”. Nếu bạn đang nghĩ đến việc làm báp-têm, bạn có thể chuẩn bị cho điều đó như thế nào? Bài tới sẽ xem xét câu hỏi này.