Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sống cảnh mù lòa

Sống cảnh mù lòa

“Tôi gần như mất hoàn toàn thị lực từ lúc mới sinh ra vì bị nhỏ mắt bằng thuốc mạnh. Đến thời niên thiếu, tôi bị mù hoàn toàn và bị trầm cảm nặng”.—Paqui, một phụ nữ trung niên có chồng cũng bị mù.

Có nhiều lý do gây ra mù lòa hoặc suy giảm thị lực nghiêm trọng, trong đó có chấn thương và bệnh tật. Những điều này có thể ảnh hưởng đến đôi mắt, thần kinh thị giác hoặc não bộ. Những người bị mất hoàn toàn hoặc một phần thị lực thường phải đương đầu với việc khó chấp nhận thực tại, đau buồn và sống trong sợ hãi. Tuy nhiên, nhiều người đã biết cách đối phó thành công và gượng dậy để tiếp tục sống cuộc đời có ý nghĩa.

Đôi mắt thường là nguồn thông tin chính yếu để chúng ta cảm nhận thế giới xung quanh. Vì thế, khi bị mù thì một người chủ yếu phải dựa vào các giác quan khác: thính giác, khứu giác, xúc giác và vị giác.

Theo tạp chí Scientific American, một nghiên cứu về cơ chế thần kinh mềm dẻo đã chứng minh rằng bộ não có khả năng “thay đổi theo trải nghiệm”. Bài này nói tiếp: “Nhiều bằng chứng cho thấy một khi bộ não mất kết nối với một giác quan nào đó, thì nó có khả năng tự sắp xếp lại để hỗ trợ và củng cố các giác quan khác”. Hãy xem xét cụ thể:

Thính giác: Từ tiếng nói cho đến bước chân, âm thanh có thể vẽ nên một bức tranh trong trí. Một người đàn ông khiếm thị tên Fernando cho biết: “Tôi học cách nhớ và nhận ra người ta qua giọng nói hay thậm chí qua cách họ đi đứng”. Anh Juan, cũng bị mù, cho biết: “Đối với người khiếm thị thì giọng nói của người khác là nhân dạng của người đó”. Và giống như tất cả chúng ta, người mù cũng đặc biệt chú ý đến thanh điệu, là điều có thể chuyển tải nhiều cảm xúc khác nhau.

Đối với thính giác nhạy bén của người khiếm thị, âm thanh cho biết rõ về môi trường xung quanh, từ hướng xe cộ lưu thông, kích cỡ căn phòng cho đến vị trí của các vật cản.

Khứu giác: Ngoài việc cảm nhận mùi hương đến từ đâu, khứu giác còn là nguồn thông tin dồi dào. Chẳng hạn, khi đi đến một con đường nào đó, khứu giác có thể giúp người khiếm thị tạo ra một bản đồ trong trí, có lẽ gồm các quán cà phê, nhà hàng, chợ... Dĩ nhiên, những âm thanh quen thuộc được cập nhật vào bản đồ, cũng như những chi tiết cảm nhận được thông qua xúc giác.

Xúc giác: Anh Francisco nói: “Ngón tay chính là đôi mắt của tôi”. Tầm nhìn của “đôi mắt” đó có thể vươn xa nhờ cây gậy. Anh Manasés, bị mù bẩm sinh và học cách dùng gậy từ nhỏ, kể lại: “Tôi biết rõ mình đang ở đâu nhờ ký ức, các giác quan khác và những lát gạch trên vỉa hè mà tôi nhận ra qua sự trợ giúp của cây gậy”.

Đọc tạp chí Tháp Canh bằng chữ nổi

Xúc giác cũng giúp nhiều người khiếm thị đọc được các ấn phẩm bằng chữ nổi Braille. Ngày nay, người mù có cơ hội tiếp cận nhiều công cụ để giúp nâng cao đời sống tinh thần và tâm linh. Bên cạnh các ấn phẩm bằng chữ nổi, cũng có tài liệu thu âm và công nghệ máy tính. Với những hỗ trợ này, người khiếm thị có thể đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm giúp tìm hiểu Kinh Thánh. *

Những sự cung cấp về tâm linh này đã trở thành nguồn an ủi và hy vọng vô hạn cho hai vợ chồng chị Paqui được đề cập ở đầu bài. Anh em đồng đạo trong hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va tại địa phương cũng hỗ trợ họ rất nhiều. Chị Paqui cho biết: “Giờ đây, chúng tôi có đời sống tương đối độc lập và tràn đầy ý nghĩa”.

Thật vậy, người khiếm thị gặp nhiều thách thức. Nhưng quả là bằng chứng cho thấy khả năng thích nghi và sự kiên cường khi con người đối mặt với thử thách và tìm được niềm vui trong đời!

^ đ. 10 Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản các ấn phẩm giúp tìm hiểu Kinh Thánh bằng chữ nổi trong hơn 25 ngôn ngữ.