Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 XÂY ĐẮP TỔ ẤM | GIỚI TRẺ

Phép lịch sự trong việc nhắn tin

Phép lịch sự trong việc nhắn tin

THÁCH THỨC

Bạn đang nói chuyện với một người bạn thì nhận được tin nhắn. Bạn nên làm gì?

  1. Vừa đọc tin nhắn, vừa nói chuyện với bạn.

  2. Nói “xin lỗi” và đọc tin nhắn.

  3. Lờ đi tin nhắn và tiếp tục nói chuyện với bạn.

Việc bạn chọn câu trả lời nào có quan trọng không? Có!

BẠN NÊN BIẾT GÌ?

Vừa nói chuyện, vừa nhắn tin giống như việc bạn chơi một môn thể thao yêu thích nhưng không tuân thủ luật chơi. Có thể bạn nghĩ: “Nhưng họ đều là bạn mình”. Nếu vậy, bạn càng có lý do để giữ phép lịch sự. Điều này không có nghĩa là bạn phải quá câu nệ hay hình thức, nhưng một thực tế là: “Nếu bạn tỏ ra khiếm nhã với bạn bè thì trước sau gì họ cũng không muốn chơi với bạn nữa”.

Tại sao? Vì chẳng ai muốn bị đối xử bất lịch sự. Một chị tên là Bình * nói: “Mình rất bực khi ai đó nói chuyện với mình nhưng lại cứ kiểm tra điện thoại như thể đang mong chờ điều gì đó tốt hơn!”. Theo bạn, Bình sẽ bỏ qua mãi cho một người tiếp tục cư xử như vậy không?

Để biết mình có lịch sự trong việc nhắn tin không, hãy trở lại những lựa chọn trong phần “Thách thức”. Bạn nghĩ lựa chọn nào là tốt nhất? Hẳn bạn nhận thấy cách xử sự trong lựa chọn A là bất lịch sự. Nhưng về lựa chọn B C thì sao? Có phải là bất lịch sự không nếu ngưng cuộc nói chuyện để đọc tin nhắn? Hay lờ đi tin nhắn để tiếp tục nói chuyện là bất lịch sự?

Như bạn thấy, việc giữ phép lịch sự đôi khi không đơn giản. Nhưng Kinh Thánh đưa ra một lời khuyên có thể giúp bạn: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, hãy làm như vậy cho họ” (Lu-ca 6:31). Bạn có thể áp dụng lời khuyên này trong việc nhắn tin. Như thế nào?

 BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Chỉ nhắn tin vào lúc thích hợp. Một anh tên là Richard nói: “Đôi khi mình nhận được tin nhắn vào lúc rất khuya. Tin nhắn ấy thậm chí không có gì quan trọng, và còn quấy rầy giấc ngủ của mình!”. Hãy tự hỏi: “Đôi khi mình có nhắn tin cho người khác vào lúc có lẽ họ đang nghỉ ngơi không?”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Truyền-đạo 3:1.

Để ý đến cách nói. Việc giao tiếp được thực hiện bằng lời nói, giọng nói, nét mặt và cử chỉ. Thật tiếc là đa số những yếu tố này không thể biểu hiện qua tin nhắn. Vậy bạn có thể làm gì? Một chị tên là Jasmine khuyên: “Hãy giữ phép lịch sự thông thường bằng cách hỏi: ‘Bạn khỏe không?’ và dùng những từ như ‘làm ơn’ và ‘cám ơn’”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Cô-lô-se 4:6.

Suy xét. Hãy nhìn lại lần nữa những lựa chọn trong phần “Thách thức”. Nếu nghĩ đó là một tin nhắn quan trọng, có lẽ bạn cần nói “xin lỗi”, rồi đọc tin nhắn. Nhưng thường thì tin nhắn có thể chờ. Một bạn trẻ tên là Amy, 17 tuổi, nói: “Điện thoại của bạn vẫn nằm đó khi bạn của bạn kết thúc cuộc nói chuyện, nhưng bạn của bạn có thể sẽ không còn đó khi bạn nhắn tin xong”. Bạn cũng nên suy xét điều này khi tham dự một buổi họp mặt. Jane, 18 tuổi, khuyên: “Đừng cứ nhắn tin suốt. Làm vậy chẳng khác nào bạn nói: ‘Mình không quan tâm đến các bạn; mình thích chơi ở chỗ khác hơn’”.

Suy nghĩ trước khi bấm “gửi”. Tin nhắn của bạn có thể bị hiểu lầm không? Có truyền tải đúng cảm xúc của bạn không? Một bạn trẻ 21 tuổi tên là Amber nói: “Nếu bạn đang nói đùa một điều gì đó, hãy gửi kèm biểu tượng mặt cười. Nếu không, người khác sẽ hiểu lầm và bị tổn thương, thậm chí có thể gây tranh cãi, vì họ tưởng bạn nói thật”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 12:18.

Rõ ràng, giữ phép lịch sự khi dùng điện thoại di động rất quan trọng!

Điều để suy nghĩ: Cư xử lịch sự xuất phát từ tình yêu thương. Đức tính này được thể hiện như thế nào? Kinh Thánh nói: “Người có tình yêu thương thì kiên nhẫn và tử tế. Người có tình yêu thương thì không ghen tị, không khoe khoang, không tự cao, không cư xử khiếm nhã, không tìm lợi riêng, không dễ nổi giận” (1 Cô-rinh-tô 13:4, 5). Bạn cần trau dồi khía cạnh nào của tình yêu thương?

^ đ. 11 Một số tên trong bài này đã được thay đổi.