Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | DẠY CON

Khi con gái ở tuổi vị thành niên bị căng thẳng

Khi con gái ở tuổi vị thành niên bị căng thẳng

THÁCH THỨC

Con gái bạn cho biết cháu bị căng thẳng. Bạn hoài nghi tự nhủ: “Con bé chỉ mới 13 tuổi. Nó còn quá nhỏ, sao biết căng thẳng là gì chứ!”. Tuy nhiên, trước khi nói như thế với con, hãy xem một số lý do có lẽ khiến con gái cảm thấy đời sống choáng ngợp như vậy.

TẠI SAO?

Cơ thể thay đổi. Việc dậy thì ụp đến có thể khiến con gái bạn lo âu quá mức, nhất là khi cháu thua kém, hoặc vượt trội bạn bè. Anna *, hiện 20 tuổi, cho biết: “Tôi là một trong những thiếu nữ đầu tiên mặc áo ngực, tôi thấy mình rất kỳ lạ. So với các bạn, tôi cảm thấy mình là người quái dị!”.

Cảm xúc thay đổi. Kiều, hiện 17 tuổi, kể lại: “Thật bực mình vì không biết tại sao tôi rất vui cả ngày, nhưng đến tối thì khóc hoài. Tôi không biết chuyện gì xảy ra với mình, như thể không kiểm soát được cảm xúc”.

Kỳ kinh nguyệt lần đầu. Cô gái tên Khanh nói: “Dù mẹ đã cho biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng tôi vẫn sốc khi có kinh lần đầu. Tôi tắm nhiều lần trong ngày vì cảm thấy lúc nào cũng dơ dơ. Hơn nữa, ba anh trai chọc ghẹo tôi quá chừng. Họ nghĩ việc tôi có kinh là điều buồn cười”.

Áp lực bạn bè. Mai, hiện 18 tuổi, nhớ lại: “Khi tôi 12 đến 14 tuổi, áp lực bạn bè rất nhiều. Các bạn ở trường đối xử không tốt với bất kỳ ai tỏ ra khác biệt”. An 14 tuổi cho biết: “Ở tuổi này, được bạn bè chấp nhận là điều quan trọng, còn bị loại ra là điều khủng khiếp”.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Khuyến khích con gái bộc lộ nỗi căng thẳng. Lúc đầu, có lẽ con không muốn nói. Nhưng hãy kiên nhẫn và làm theo lời khuyên của Kinh Thánh là “mau nghe, chậm nói”.—Gia-cơ 1:19.

Đừng xem nhẹ những điều khiến con căng thẳng. Hãy nhớ, cháu không có kinh nghiệm trong đời sống như bạn, thế nên đôi khi cháu không có gì để so sánh nỗi căng thẳng hiện tại với điều từng xảy ra. Hơn nữa, cháu chưa có đủ khả năng để đương đầu.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Rô-ma 15:1.

Đừng cho con tham gia quá nhiều hoạt động ngoại khóa. Theo sách Teach Your Children Well, người trẻ nào có thời biểu quá dày đặc “thường có nhiều dấu hiệu căng thẳng, nhất là về thể chất như nhức đầu, đau bụng”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Phi-líp 1:9, 10.

Hãy chắc chắn con ngủ đủ. Giấc ngủ thường là điều đầu tiên mà trẻ vị thành niên lơ là. Nếu không ngủ đủ, khả năng suy nghĩ của con gái sẽ từ từ giảm sút và khó đương đầu với sự căng thẳng hơn.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Truyền-đạo 4:6.

Giúp con tìm ra phương pháp hữu hiệu để giảm căng thẳng. Đối với một số cô gái, việc tập thể dục giúp giảm sự lo âu. Kinh Thánh cho biết: “Sự rèn luyện thân thể lợi ích” (1 Ti-mô-thê 4:8). Các cô gái khác thì nhận thấy việc viết nhật ký giúp họ xua tan nỗi căng thẳng. Brittany 22 tuổi nhớ lại: “Khi còn nhỏ, tôi viết ra những vấn đề mà mình không thể giải quyết. Điều này giúp tôi hiểu cảm xúc thật của mình trước vấn đề nào đó, rồi dễ giải quyết vấn đề ấy hơn hoặc bỏ qua một bên”.

Noi gương. Làm thế nào bạn đương đầu với sự căng thẳng? Bạn có đảm nhận nhiều công việc hơn sức của mình, rồi cuống cuồng gắng sức hoàn thành những việc ấy không? Bạn có tự làm mình nặng gánh vì làm quá nhiều, không dành thời gian cho những điều quan trọng hơn? Phi-líp 4:5 nói: “Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của anh em”. Hãy nhớ, con gái ở tuổi vị thành niên đang nhìn vào gương mẫu của bạn và học theo, dù tốt hay không.

^ đ. 6 Các tên trong bài này đã được thay đổi.