Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khi tìm vàng, họ tìm thấy nhà

Khi tìm vàng, họ tìm thấy nhà

Khi tìm vàng, họ tìm thấy nhà

Phố người Hoa. Tại nhiều thành phố trên khắp thế giới, từ này gợi lên hình ảnh nhộn nhịp của những quán ăn, nhà hàng, lễ hội, và các màn biểu diễn múa lân của người Trung Quốc. Tuy nhiên, mỗi phố người Hoa lại có một lịch sử riêng. Những phố người Hoa ở Úc mà chúng ta thấy ngày nay phần lớn là do công lao của thế hệ những người nhập cư Trung Quốc dũng cảm. Họ đã đến bãi biển phương nam này với hy vọng làm giàu nhanh chóng ở những bãi vàng mới được khám phá.

Núi Vàng Mới

Lúc đầu số người Trung Quốc di cư đến Úc rất thưa thớt, nhưng khi vàng được tìm thấy vào năm 1851, thì nhiều người Trung Quốc đã ồ ạt đổ xô đến đó. Hàng ngàn người đàn ông đã rời vùng châu thổ sông Châu Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, để thực hiện một chuyến hành trình gian nguy trên biển tiến về phương nam. Trước đó, vàng được tìm thấy ở California, Hoa Kỳ và người Trung Quốc nói tiếng Quảng Đông gọi những bãi vàng này là Núi Vàng. Vì thế, những bãi vàng ở Úc được gọi là Núi Vàng Mới.

Những người này rời quê hương không chỉ để tìm vàng. Trung Quốc đã trải qua các cuộc nội chiến, thiên tai và sự nghèo đói, là những điều đưa đến vô vàn khổ cực.

Bi thảm thay, vài người tiên phong đến nước Úc không sống sót để thấy đất liền. Họ chết vì những bệnh truyền nhiễm lây lan trên con thuyền chật ních người trong chuyến hành trình dài đằng đẵng. Đối với những người sống sót, cuộc sống tại miền đất mới lại không dễ dàng chút nào.

Vất vả nơi các bãi vàng

Sự cô đơn sớm trở thành bạn đồng hành vì truyền thống Trung Quốc đòi hỏi vợ và con cái phải ở lại quê nhà để lưu danh dòng họ. Do dó, vào năm 1861, trong hơn 38.000 người đàn ông Trung Quốc đã sống ở Úc chỉ có 11 người phụ nữ. Tuy nhiên, ít người Trung Quốc muốn định cư tại đó. Phần lớn họ quyết tâm trở về quê hương trong sự giàu có và hãnh diện.

Tham vọng này khiến họ tiếp tục tìm vàng. Những người đào vàng sống trong lều và làm việc cực nhọc nhiều giờ dưới cái nắng gay gắt. Lúc đầu, một số người e ngại việc đào bới dưới lòng đất vì một vài sự mê tín nào đó. Vì thế, họ chỉ đào và đãi trên bề mặt, xả các chất cặn qua cái máng gỗ đãi vàng. Những nỗ lực của họ đã mang lại kết quả. Theo số liệu cho biết giữa năm 1854 đến năm 1862, có gần 18.662kg vàng được tìm thấy ở tiểu bang Victoria đã được chuyển về Trung Quốc.

Đáng buồn thay, nhiều người giàu lên nhờ đào vàng đã tán gia bại sản bởi thói cờ bạc và nghiện thuốc phiện—những tật xấu mà những người sống cô đơn thường dễ rơi vào. Hiển nhiên điều này dẫn đến hậu quả là sức khỏe bị hủy hoại và họ đánh mất cả những gì đã làm ra lẫn cơ hội trở về quê hương. Một số người nhận được sự trợ giúp từ các tổ chức người Hoa và những cá nhân có lòng rộng lượng, nhưng nhiều người khác thì sớm qua đời trong sự nghèo khổ, cô độc.

Người Trung Quốc cũng phải chịu đựng sự ganh ghét và ngờ vực bởi những người đào vàng ở Úc, họ xem những người nước ngoài này là một tập thể làm việc sát cánh, hữu hiệu và có sức cạnh tranh lớn. Thái độ không thân thiện đó dẫn đến những cuộc gây rối và tấn công vào người Hoa. Vàng của họ bị cướp, lều và đồ đạc bị đốt. Dần dần, sự thù địch này cũng giảm xuống. Dù vậy, khoảng 50 năm sau khi vàng được tìm thấy, điều luật Hạn chế Nhập cư được ban hành vào năm 1901 đã đóng cửa không cho người châu Á di cư vào nước Úc. Cánh cửa đó mãi đến năm 1973 mới được mở trở lại.

Khi vàng đã hết

Khi các mỏ vàng ngừng hoạt động, một số người Hoa đã chọn ở lại Úc. Kết quả là tại các thị trấn đã được dựng nên trong giai đoạn đổ xô đi tìm vàng lại xuất hiện nhiều tiệm giặt ủi, nhà hàng và vườn trồng rau của người Hoa. Họ cũng phát triển tên tuổi của mình qua các mặt hàng nội thất, thị trường trái cây và rau quả tươi. Vì thế, vào cuối thế kỷ 19, cộng đồng người Trung Quốc, hay phố người Hoa, đã có mặt tại nhiều thành phố ở Úc như Atherton, Brisbane, Broome, Cairns, Darwin, Melbourne, Sydney và Townsville.

Vì có ít phụ nữ Trung Quốc đến Úc nên nhiều đàn ông Trung Quốc vẫn phải sống độc thân. Tuy nhiên, một số người đã kết hôn với phụ nữ Úc bất kể thành kiến. Với thời gian, con cháu của họ đã trở thành một phần thiết yếu của xã hội Úc.

Ngày nay, người Trung Quốc di cư đến Úc nhiều hơn bao giờ hết. Phần lớn tìm kiếm một nền học vấn cao và cơ hội làm ăn. Hơn nữa, trong số những người Trung Quốc nhập cư cũng có nhiều phụ nữ. Vì sự thay đổi của nền kinh tế thế giới, mọi việc đã khác hẳn. Sau khi ổn định gia đình ở Úc, nhiều chủ gia đình quay về châu Á để làm việc tại Đài Loan, Hồng Kông, Singapore hoặc Trung Quốc.

Đúng là thời thế đã thay đổi. Nhưng đối với những người nhập cư trên khắp thế giới, mục đích cơ bản vẫn như trước: tìm kiếm sự an toàn và thành đạt ở xứ người.

[Khung/​Hình nơi trang 11]

XA HƠN HỌ TƯỞNG

Để tránh trả thuế cập cảng, những hành khách Trung Quốc đã lên bờ dọc theo bãi biển nước Úc, cách xa các cảng lớn và cách bãi vàng hàng trăm dặm. Thị trấn Robe, phía nam nước Úc, là một trong những điểm cập bến của họ. Thị trấn này có dân số khoảng 100 đến 200 người, và vào năm 1857, chỉ trong vòng năm tháng, có ít nhất 12.000 người Hoa đã đi qua nơi này.

Trong một nỗ lực đáng kinh ngạc về sự nhẫn nại và hợp tác, từng nhóm gồm hàng trăm người đàn ông đã cùng nhau tiến sâu vào đất liền, băng qua những vùng hẻo lánh để đến các bãi vàng. Tuy nhiên, chặng đường xa hơn họ tưởng, và chuyến đi đầy vất vả đó kéo dài đến năm tuần. Họ lấy rong biển làm lương thực cho chuyến đi, ăn thịt chuột túi và gấu wombat trên đường. Họ cũng đào giếng và để lại dấu hiệu cho người sau.

Họ để tóc bím theo truyền thống và đội nón mũ chảo (nón cu li), chạy bộ theo hàng một, vừa đi vừa hát. Người ta tìm thấy những đồng tiền xu Trung Quốc trên con đường này. Chúng bị những người Hoa mới đến vứt đi vì họ nhận ra rằng chúng không có giá trị ở Úc.

[Nguồn tư liệu]

Image H17071, State Library of Victoria

[Khung/​Hình nơi trang 12]

MỘT ĐIỀU QUÝ HƠN VÀNG

Anh Wayne Qu là nhà khoa học về môi trường của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Để tiến thân trong sự nghiệp, anh và vợ là chị Sue, đã đến châu Âu vào thập niên 1990, nơi mà anh Wayne theo đuổi việc học lên cao. Trong thời gian đó, họ đã gặp và thảo luận Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Vào năm 2000, họ chuyển đến nước Úc để tiếp tục theo đuổi học vấn, chị Sue theo ngành sinh học phân tử và cả hai cùng học Kinh Thánh trở lại.

Anh Wayne nói: “Chúng tôi đã dành nhiều thập kỷ để đạt được bằng cao học. Dù vậy, tôi tự nhủ rằng: “Đến cuối cùng, chúng ta đều già, bệnh tật và chết. Đó có phải là mục đích đời sống không?”. Mọi thứ dường như là vô nghĩa. Tuy nhiên, qua Kinh Thánh, Sue và tôi biết câu trả lời hợp lý và thỏa đáng cho những thắc mắc quan trọng nhất trong cuộc sống.

Việc học Kinh Thánh cũng khiến chúng tôi xem xét một khái niệm mà chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến​—sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Tôi đã đọc ấn phẩm của Nhân Chứng có tựa đề Life​—How Did It Get Here? By Evolution or by Creation? (Sự sống​—⁠Đã xuất hiện thế nào? Do tiến hóa hay sáng tạo?). Tôi cũng xem một cuốn sách về thuyết tiến hóa của Charles Darwin. Việc đọc những ấn phẩm đó cùng với quá trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi đã thuyết phục tôi rằng có Đấng Tạo Hóa. Sue cũng đi đến kết luận như vậy.

Một điều khác nữa đã thuyết phục chúng tôi tin có Đức Chúa Trời là vì Kinh Thánh có quyền lực khiến đời sống tốt đẹp hơn. Thật thế, cuốn sách tuyệt vời này không chỉ đem lại cho chúng tôi hy vọng trong tương lai, mà còn giúp chúng tôi có nhiều người bạn chân thật và một cuộc hôn nhân bền vững. Sue và tôi báp-têm vào năm 2005. Chúng tôi rất vui mừng vì đã tìm ra điều quý giá hơn cả nền học vấn cao và “vàng hay hư-nát””.​—1 Phi-e-rơ 1:7.

[Hình nơi trang 10]

Thợ đào vàng Trung Quốc, thập niên 1860

[Nguồn hình ảnh nơi trang 10]

Sydney Chinatown: © ARCO/G Müller/age fotostock; gold miner: John Oxley Library, Image 60526, State Library of Queensland