Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giới trẻ thắc mắc

Làm thế nào tôi có thể cải thiện lời cầu nguyện?

Làm thế nào tôi có thể cải thiện lời cầu nguyện?

“Khi có quá nhiều áp lực tại trường, nơi làm việc, hoặc từ bạn bè và gia đình, đôi khi mình quên Đức Chúa Trời là Đấng quan trọng nhất”.—Faviola, 15 tuổi, Hoa Kỳ.

“Cầu-nguyện không thôi” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). ‘Hãy bền lòng mà cầu-nguyện’ (Rô-ma 12:12). ‘Hãy trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời’ (Phi-líp 4:6). Nếu là môn đồ theo Chúa Giê-su, bạn có thể biết rõ những câu Kinh Thánh này. Có lẽ bạn cũng nhận thấy lời cầu nguyện là hình thức liên lạc tuyệt vời nhất. Hãy nghĩ đến điều này: Bất cứ lúc nào, dù ngày hay đêm, bạn đều có thể nói chuyện với Đức Chúa Trời Toàn Năng! Kinh Thánh nói: “Ngài nghe chúng ta” *.—1 Giăng 5:14.

Tuy nhiên, như người trẻ được đề cập ở đầu bài, có thể bạn thấy khó để cầu nguyện. Tình huống này có thể ví như một cánh cửa bị khóa. Nếu cảm thấy như thế, bạn nên làm gì? Bài này sẽ giúp bạn (1) nhận ra vấn đề, (2) đặt mục tiêu liên quan đến việc cầu nguyện, và (3) mở “cánh cửa” để đạt được mục tiêu.

Trước tiên, hãy nhận ra vấn đề. Điểm cụ thể nào của lời cầu nguyện gây khó khăn nhất cho bạn? Hãy viết ra câu trả lời bên dưới.

․․․․․

Tiếp theo, bạn hãy đặt một mục tiêu. Hãy đánh dấu một mục tiêu bên dưới mà bạn muốn thực hiện, hoặc viết ra mục tiêu khác.

  • Tôi muốn cầu nguyện thường xuyên hơn.

  • Tôi muốn lời cầu nguyện của mình phong phú hơn.

  • Tôi muốn lời cầu nguyện của mình chân thành hơn.

  • Mục tiêu khác ․․․․․

Mở “cánh cửa”

Lời cầu nguyện như một cánh cửa mà bạn có thể mở ra bất cứ khi nào. Tuy nhiên, nhiều người trẻ nói rằng họ không mở cửa một cách thường xuyên hoặc thoải mái, điều mà lẽ ra họ nên làm. Nếu ở trong tình huống đó, bạn đừng bỏ cuộc! Bạn đã nhận ra vấn đề và đặt mục tiêu. Giờ đây, bạn chỉ cần chìa khóa để mở cửa. Hãy xem xét một số vấn đề bạn có lẽ gặp cùng với những lời đề nghị về cách để vượt qua.

Ổ khóa: SỰ LƠ LÀ.

“Có khi tôi quá bận rộn nên lơ là việc cầu nguyện”.—Preeti, 20 tuổi, Anh Quốc.

Chìa khóa: “Hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan. Hãy lợi-dụng thì-giờ, vì những ngày là xấu”.—Ê-phê-sô 5:15, 16.

Đề nghị: Trước tiên, hãy chọn thời điểm tốt nhất để cầu nguyện hằng ngày. Bạn có thể viết ra giấy, như bạn viết lời nhắc nhở cho một cuộc hẹn. Bạn Yoshiko, 18 tuổi ở Nhật Bản, nói: “Nếu không định một thời gian cụ thể để cầu nguyện, tôi sẽ lo làm những việc khác”.

Ổ khóa: SỰ PHÂN TÂM.

“Tôi mất tập trung và nghĩ về những điều khác khi đang cầu nguyện”.—Pamela, 17 tuổi, Mexico.

Chìa khóa: “Do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra”.—Ma-thi-ơ 12:34.

Đề nghị: Nếu trí óc bạn cứ nghĩ vẩn vơ, hãy cầu nguyện ngắn gọn hơn—ít nhất là cho tới khi bạn tập trung nhiều hơn. Đề nghị khác: Cầu nguyện về những vấn đề bạn đặc biệt quan tâm. Bạn Marina, 14 tuổi sống ở Nga, nói: “Khi mới là một thiếu nữ, tôi bắt đầu suy nghĩ lời cầu nguyện là mối liên lạc thật sự với Đức Chúa Trời. Điều này thúc đẩy tôi trải lòng ra với Ngài khi cầu nguyện”.

Ổ khóa: THEO THÓI QUEN.

“Khi cầu nguyện tôi thấy mình cứ lặp đi lặp lại một số từ”.—Dupe, 17 tuổi, Benin.

Chìa khóa: “[Tôi] sẽ ngẫm-nghĩ về mọi công-tác Chúa, suy-gẫm những việc làm của Ngài”.—Thi-thiên 77:12.

Đề nghị: Nếu bạn cầu nguyện cho có lệ, mỗi ngày hãy viết ra một ân phước cụ thể bạn nhận được. Sau đó, hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va về ân phước đó. Tiếp tục làm thế trong một tuần, bạn sẽ cầu nguyện về bảy đề tài mới mà không cần phải lặp lại. Cũng hãy làm như thế đối với những sinh hoạt hằng ngày. Bạn Bruno, 21 tuổi ở Brazil, nói: “Khi cầu nguyện, tôi cố gắng tập trung vào những gì xảy ra trong ngày hôm đó”. Bạn Samantha, 18 tuổi ở Hoa Kỳ, cũng làm như thế. Bạn ấy nói: “Tôi cố gắng nhớ mọi điều diễn ra hôm nay và sau đó cầu nguyện về những điều khác với những ngày trước. Nhờ thế, lời cầu nguyện của tôi không bị lặp lại”.

Ổ khóa: SỰ NGHI NGỜ.

“Có lần khi tôi cầu nguyện về một vấn đề ở trường, nó không biến mất. Thật ra, vấn đề càng nhiều hơn. Tôi nghĩ: “Sao tôi lại phải cầu nguyện nữa? Đức Giê-hô-va không có nghe đâu!””.—Minori, 15 tuổi, Nhật Bản.

Chìa khóa: “Trong sự cám-dỗ, [Đức Chúa Trời] cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được”.—1 Cô-rinh-tô 10:13.

Đề nghị: Có một điều chắc chắn: Đức Giê-hô-va “Đấng nghe lời cầu-nguyện” (Thi-thiên 65:2). Vậy, sau khi cầu nguyện về một vấn đề, hãy cố gắng có cái nhìn tổng thể về vấn đề đó. Thay vì đợi vấn đề được giải quyết như mình muốn, hãy để ý vì có lẽ lời cầu nguyện của bạn đã được nhậm rồi. Sự kiện bạn tiếp tục chịu đựng mà vẫn giữ lối sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh dường như có nghĩa là Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời cầu nguyện của bạn bằng cách ban thêm sức để bạn chịu đựng chứ không loại bỏ vấn đề.—Phi-líp 4:13.

Ổ khóa: NGƯỢNG NGÙNG.

“Khi nghĩ về những đứa bạn trong trường sẽ nói thế nào khi thấy tôi cầu nguyện trước bữa ăn trưa, điều đó khiến tôi ngượng ngùng”.—Hikaru, 17 tuổi, Nhật Bản.

Chìa khóa: “Việc gì cũng có lúc”.—Truyền-đạo 3:1, Bản Diễn Ý.

Đề nghị: Dù việc cầu nguyện thầm có thể thu hút sự chú ý và đồng thuận của một số người, nhưng bạn không nhất thiết phải cầu nguyện để người khác thấy. Thí dụ, dường như người trung thành Nê-hê-mi đã cầu nguyện thầm rất ngắn khi chầu trước vua Ạt-ta-xét-xe, và không có gì cho thấy vua nhận ra Nê-hê-mi đang cầu nguyện (Nê-hê-mi 2:1-5). Bạn cũng có thể cầu nguyện thầm với Đức Giê-hô-va mà không làm người khác chú ý đến mình.

Ổ khóa: CẢM GIÁC VÔ DỤNG.

“Đức Giê-hô-va đã biết rõ vấn đề của tôi. Tôi vô cùng mệt mỏi về các vấn đề đó và cảm thấy Ngài có lẽ cũng thế! Có những lúc tôi nghĩ rằng mình không xứng đáng nói chuyện với Ngài”.—Elizabeth, 20 tuổi, Ireland.

Chìa khóa: “Hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho [Đức Chúa Trời], vì Ngài hay săn-sóc anh em”.—1 Phi-e-rơ 5:7.

Đề nghị: Khi học hỏi cá nhân, hãy nghiên cứu và suy ngẫm những câu Kinh Thánh sau: Lu-ca 12:6, 7; Giăng 6:44; Hê-bơ-rơ 4:16; 6:10; 2 Phi-e-rơ 3:9. Những câu này sẽ giúp bạn nhận ra rằng Đức Giê-hô-va muốn bạn cầu nguyện với Ngài và không nhất thiết bạn phải là một tín đồ xuất sắc để Ngài lắng nghe bạn. Người viết Thi-thiên là Đa-vít—người từng rất lo lắng và đau buồn—đã bày tỏ với lòng tin chắc là “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối” *.—Thi-thiên 34:18.

Sự kiện chính Đức Giê-hô-va nghe lời cầu nguyện của bạn cho thấy Ngài quan tâm đến bạn. Bạn Nicole, 17 tuổi sống ở Ý, nói: “Đức Giê-hô-va không giao cho các thiên sứ lắng nghe lời cầu nguyện. Rõ ràng, vì chính Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, nên chắc hẳn Ngài xem điều đó là quan trọng”.

^ đ. 4 Vì Đấng Tạo Hóa không dựa vào sóng âm để nghe chúng ta, nên Ngài “nghe” cả những lời nói thầm từ trong lòng.—Thi-thiên 19:14.

^ đ. 32 Nếu cảm thấy Đức Chúa Trời không nghe lời cầu nguyện của bạn vì bạn đã phạm tội trọng, hãy nói chuyện với cha mẹ. Cũng hãy “mời các trưởng lão Hội-thánh đến [để giúp đỡ]” (Gia-cơ 5:14). Trưởng lão có thể giúp bạn hàn gắn lại mối quan hệ với Đức Giê-hô-va.

VÀI ĐIỀU ĐỂ SUY NGHĨ

  • Có một số điều nào là quan trọng đối với Đức Giê-hô-va mà bạn nên cầu nguyện?

  • Bạn có thể cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về những điều nào liên quan đến người khác?