Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 4

Tại sao nên tôn trọng quyền hành?

Tại sao nên tôn trọng quyền hành?

“Hãy tôn trọng mọi loại người, yêu thương cả đoàn thể anh em, kính sợ Đức Chúa Trời, kính trọng vua”.—1 PHI-E-RƠ 2:17.

1, 2. (a) Chúng ta cần vâng theo sự chỉ dẫn của ai? (b) Chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi nào trong chương này?

 Khi bạn còn nhỏ, đôi khi cha mẹ bảo bạn làm một điều mà bạn không muốn làm. Dù yêu thương cha mẹ và biết rằng mình nên vâng lời họ, nhưng có lẽ không phải lúc nào bạn cũng muốn làm theo.

2 Chúng ta biết Cha trên trời là Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta. Ngài chăm sóc và đảm bảo sao cho chúng ta có mọi thứ mình cần để vui hưởng đời sống. Ngài ban chỉ dẫn cần thiết để chúng ta đạt được thành công. Đôi khi ngài cũng dùng người khác để cho chúng ta chỉ dẫn. Chúng ta cần tôn trọng uy quyền của Đức Giê-hô-va (Châm ngôn 24:21). Nhưng tại sao đôi khi chúng ta thấy khó chấp nhận sự chỉ dẫn? Tại sao Đức Giê-hô-va muốn chúng ta vâng theo sự chỉ dẫn? Và làm thế nào chúng ta cho thấy mình tôn trọng uy quyền của ngài?—Xin xem Phụ lục 9.

TẠI SAO KHÓ TÔN TRỌNG QUYỀN HÀNH?

3, 4. Điều gì khiến con người trở nên bất toàn? Tại sao chúng ta thấy khó chấp nhận sự chỉ dẫn từ người khác?

3 Là con người, chúng ta có khuynh hướng chống nghịch. Tình trạng này bắt đầu từ khi cặp vợ chồng đầu tiên là A-đam và Ê-va phạm tội. Dù được tạo ra là người hoàn hảo nhưng họ đã chống lại uy quyền của Đức Chúa Trời. Kể từ đó, cả nhân loại sinh ra đều là bất toàn. Sự bất toàn là một lý do khiến chúng ta thấy khó chấp nhận sự chỉ dẫn đến từ Đức Giê-hô-va và con người. Một lý do khác là những người Đức Giê-hô-va dùng để chỉ dẫn chúng ta cũng là người bất toàn.—Sáng thế 2:15-17; 3:1-7; Thi thiên 51:5; Rô-ma 5:12.

4 Vì là người bất toàn nên chúng ta dễ kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo khiến chúng ta khó chấp nhận sự chỉ dẫn. Chẳng hạn, vào thời Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Giê-hô-va chọn Môi-se dẫn dắt dân của ngài. Một người phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm tên là Cô-rê đã trở nên kiêu ngạo, và ông bất kính với Môi-se. Dù là người dẫn dắt dân Đức Chúa Trời nhưng Môi-se không kiêu ngạo. Thực tế, ông được miêu tả là người khiêm hòa nhất vào thời đó. Tuy nhiên, Cô-rê không chấp nhận sự chỉ dẫn của Môi-se. Thậm chí ông còn lôi kéo nhiều người đứng về phía mình và chống lại Môi-se. Cuối cùng Cô-rê và những kẻ phản nghịch phải chịu hậu quả nào? Tất cả họ đều bị chết (Dân số 12:3; 16:1-3, 31-35). Trong Kinh Thánh ghi lại nhiều trường hợp cho thấy sự kiêu ngạo là điều nguy hiểm.—2 Sử ký 26:16-21; xin xem Phụ lục 10.

5. Một số người đã lạm dụng quyền lực của mình như thế nào?

5 Có lẽ bạn từng nghe người ta nói: “Quyền lực làm tha hóa con người”. Trong suốt lịch sử, nhiều người đã lạm dụng quyền lực của mình. (Đọc Truyền đạo 8:9). Chẳng hạn, Sau-lơ là một người tốt và khiêm nhường khi Đức Giê-hô-va chọn ông làm vua Y-sơ-ra-ên. Nhưng ông đã để cho sự kiêu ngạo và ghen tị lớn dần trong lòng, cuối cùng ông tìm cách hãm hại Đa-vít, là một người vô tội (1 Sa-mu-ên 9:20, 21; 10:20-22; 18:7-11). Sau này, Đa-vít trở thành một trong những vị vua tốt nhất của Y-sơ-ra-ên. Nhưng có lúc, chính Đa-vít cũng lạm quyền. Ông đã ăn nằm với Bát-sê-ba vợ của U-ri-a, và sau đó cố che giấu tội bằng cách sắp đặt để U-ri-a bị tử trận trên chiến trường.—2 Sa-mu-ên 11:1-17.

TẠI SAO NÊN TÔN TRỌNG UY QUYỀN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

6, 7. (a) Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va thôi thúc chúng ta làm gì? (b) Điều gì giúp chúng ta vâng lời ngay cả khi không dễ?

6 Chúng ta tôn trọng sự chỉ dẫn từ Đức Giê-hô-va vì chúng ta yêu thương ngài. Vì yêu thương Đức Giê-hô-va hơn bất cứ ai và bất cứ điều gì nên chúng ta muốn làm ngài vui lòng. (Đọc Châm ngôn 27:11; Mác 12:29, 30). Từ lúc cặp vợ chồng đầu tiên sống trong vườn Ê-đen, Sa-tan đã muốn loài người nghi ngờ uy quyền của Đức Giê-hô-va. Ác Quỷ muốn chúng ta nghĩ rằng Đức Giê-hô-va không có quyền bảo chúng ta phải làm gì. Nhưng chúng ta biết đó là lời nói dối. Chúng ta có cùng cảm nghĩ với những lời sau: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng con, ngài xứng đáng nhận sự vinh hiển, tôn kính và quyền năng, vì ngài đã tạo nên muôn vật”.—Khải huyền 4:11.

7 Khi còn nhỏ, rất có thể bạn được dạy là phải vâng lời cha mẹ ngay cả khi không muốn. Tương tự thế, là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, đôi khi chúng ta thấy khó để vâng lời. Nhưng vì yêu thương và kính trọng Đức Giê-hô-va, chúng ta làm mọi điều có thể để vâng lời ngài. Chúa Giê-su nêu gương cho chúng ta về điều này. Ngài vâng lời Đức Giê-hô-va ngay cả trong những lúc không dễ dàng hoặc không thuận lợi. Đó là lý do ngài nói với Cha: “Xin ý Cha được thực hiện chứ không phải ý con”.—Lu-ca 22:42; xin xem Phụ lục 11.

8. Đức Giê-hô-va chỉ dẫn chúng ta qua một số cách nào? (Xin xem khung “ Hãy lắng nghe lời khuyên”).

8 Ngày nay, Đức Giê-hô-va chỉ dẫn chúng ta qua những cách khác nhau. Chẳng hạn, ngài ban cho chúng ta Kinh Thánh. Ngài cũng ban cho chúng ta những trưởng lão trong hội thánh. Chúng ta cho thấy mình tôn trọng uy quyền của Đức Giê-hô-va khi tôn trọng những người ngài dùng để hướng dẫn chúng ta. Nếu từ chối sự giúp đỡ của họ thì theo một nghĩa nào đó, chúng ta cũng đang chối bỏ Đức Giê-hô-va. Khi dân Y-sơ-ra-ên chối bỏ Môi-se, Đức Giê-hô-va xem điều đó rất nghiêm trọng, như thể họ đang chối bỏ ngài.—Dân số 14:26, 27; xin xem Phụ lục 12.

9. Tại sao tình yêu thương thôi thúc chúng ta làm theo sự chỉ dẫn?

9 Khi tôn trọng quyền hành, chúng ta cũng cho thấy mình yêu thương anh em đồng đạo. Hãy suy nghĩ điều này: Khi có thảm họa thiên nhiên, một nhóm cứu trợ làm việc chung với nhau để cứu được càng nhiều người càng tốt. Để nhóm làm việc hiệu quả thì cần có người tổ chức và mỗi thành viên trong nhóm phải làm theo sự chỉ dẫn. Nhưng nói sao nếu một người lờ đi sự chỉ dẫn và làm theo ý mình? Ngay cả khi người đó có động lực tốt nhưng việc không vâng lời có thể gây vấn đề cho các thành viên trong nhóm, thậm chí khiến họ bị thương nặng. Cũng vậy, nếu chúng ta không làm theo sự chỉ dẫn từ Đức Giê-hô-va và những người ngài ban quyền hành thì có thể gây hại cho người khác. Nhưng khi vâng lời Đức Giê-hô-va, chúng ta chứng tỏ mình yêu thương anh em và tôn trọng sự sắp đặt của ngài.—1 Cô-rinh-tô 12:14, 25, 26.

10, 11. Giờ đây chúng ta sẽ thảo luận về điều gì?

10 Mọi điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta làm đều là vì lợi ích của chúng ta. Khi chúng ta thể hiện lòng tôn trọng quyền hành trong gia đình, trong hội thánh và với các bậc cầm quyền thì tất cả đều nhận được lợi ích.—Phục truyền luật lệ 5:16; Rô-ma 13:4; Ê-phê-sô 6:2, 3; Hê-bơ-rơ 13:17.

11 Khi hiểu lý do Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tôn trọng quyền hành, chúng ta sẽ dễ làm thế hơn. Hãy xem xét kỹ hơn về cách chúng ta có thể tỏ lòng tôn trọng trong ba lĩnh vực của đời sống.

TÔN TRỌNG QUYỀN HÀNH TRONG GIA ĐÌNH

12. Làm thế nào một người chồng cho thấy mình tôn trọng quyền hành?

12 Đức Giê-hô-va là đấng sáng lập gia đình và ngài ban cho mỗi thành viên trong gia đình một vai trò. Khi mỗi thành viên hiểu điều Đức Giê-hô-va muốn mình làm thì gia đình sẽ hoạt động suôn sẻ và cả nhà đều được lợi ích (1 Cô-rinh-tô 14:33). Đức Giê-hô-va giao cho người chồng quyền làm đầu gia đình. Ngài đòi hỏi anh chăm sóc và hướng dẫn vợ con cách yêu thương. Vậy người chồng phải chịu trách nhiệm với Đức Giê-hô-va về cách anh chăm sóc gia đình. Một người chồng tín đồ sẽ tử tế, yêu thương và đối xử với gia đình theo cách Chúa Giê-su đối xử với hội thánh. Khi làm thế, anh cho thấy mình tôn trọng Đức Giê-hô-va.—Ê-phê-sô 5:23; xin xem Phụ lục 13.

Khi người cha chăm sóc gia đình, anh đang noi gương Đấng Ki-tô

13. Làm thế nào một người vợ cho thấy mình tôn trọng quyền hành?

13 Người vợ tín đồ cũng có vai trò đáng trọng. Chị hỗ trợ chồng khi anh cố gắng thi hành tốt quyền làm đầu. Chị và chồng cùng có trách nhiệm nuôi dạy con cái. Một cách mà chị dạy con cái thể hiện lòng tôn trọng là qua gương của chính mình (Châm ngôn 1:8). Chị tôn trọng chồng và ủng hộ những quyết định của anh. Ngay cả khi không đồng ý với anh về điều nào đó, chị có thể nói lên cảm xúc của mình một cách tử tế và tôn trọng. Nếu có người chồng không phải là Nhân Chứng, có thể chị phải đối mặt với những tình huống khó khăn. Nhưng khi chị tiếp tục yêu thương và tôn trọng chồng, có lẽ một ngày nào đó, người chồng cũng sẽ muốn tìm hiểu về Đức Giê-hô-va và thờ phượng ngài.—Đọc 1 Phi-e-rơ 3:1.

14. Làm thế nào con cái cho thấy mình tôn trọng quyền hành?

14 Con cái vô cùng quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va, và chúng rất cần được bảo vệ, hướng dẫn. Khi biết vâng lời, con cái sẽ làm cho cha mẹ vui lòng. Quan trọng hơn, qua việc vâng lời, con cái cho thấy mình tôn trọng Đức Giê-hô-va và làm vui lòng ngài (Châm ngôn 10:1). Trong nhiều gia đình, con cái được nuôi dạy bởi người cha hoặc người mẹ đơn thân. Điều này có thể rất khó cho cả người con lẫn cha hoặc mẹ đơn thân. Nhưng khi con cái vâng lời và ủng hộ cha mẹ thì đời sống gia đình sẽ tốt hơn nhiều. Dù ở trong hoàn cảnh nào thì không có gia đình nào là hoàn hảo. Nhưng các gia đình sẽ hạnh phúc hơn khi mỗi thành viên đều làm theo sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va. Điều này sẽ mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va, đấng sáng lập mọi gia đình.—Ê-phê-sô 3:14, 15.

TÔN TRỌNG QUYỀN HÀNH TRONG HỘI THÁNH

15. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình tôn trọng quyền hành trong hội thánh?

15 Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta qua hội thánh đạo Đấng Ki-tô, và ngài ban cho Chúa Giê-su toàn quyền trên hội thánh (Cô-lô-se 1:18). Chúa Giê-su giao cho “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” trách nhiệm chăm lo cho dân Đức Chúa Trời trên đất (Ma-thi-ơ 24:45-47). Ngày nay, “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” là Hội đồng Lãnh đạo. Hội đồng Lãnh đạo cung cấp những điều chúng ta cần vào đúng thời điểm để giúp chúng ta giữ vững đức tin. Các trưởng lão, phụ tá hội thánhgiám thị vòng quanh hỗ trợ các hội thánh trên khắp thế giới và nhận sự chỉ dẫn từ Hội đồng Lãnh đạo. Những anh này đều có trách nhiệm chăm sóc chúng ta. Họ phải khai trình với Đức Giê-hô-va về cách họ thi hành trách nhiệm này. Vì thế, khi tôn trọng những anh đó là chúng ta đang tôn trọng Đức Giê-hô-va.—Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:12; Hê-bơ-rơ 13:17; xin xem Phụ lục 14.

16. Tại sao có thể nói rằng các trưởng lão và phụ tá hội thánh được bổ nhiệm bởi thần khí thánh?

16 Các trưởng lão và phụ tá giúp hội thánh giữ trung thành và sự hợp nhất. Dĩ nhiên, họ cũng bất toàn như chúng ta. Vậy họ được chọn như thế nào? Những anh này phải hội đủ điều kiện trong Kinh Thánh (1 Ti-mô-thê 3:1-7, 12; Tít 1:5-9). Đức Giê-hô-va đã dùng thần khí thánh để hướng dẫn những người viết Kinh Thánh ghi lại các điều kiện này. Các trưởng lão sẽ cầu nguyện để xin Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh khi họ bàn luận nên đề cử ai làm trưởng lão hoặc phụ tá hội thánh. Rõ ràng, hội thánh được hướng dẫn bởi Chúa Giê-su và Đức Giê-hô-va (Công vụ 20:28). Thật vậy, những người nam được bổ nhiệm để hỗ trợ và coi sóc chúng ta là món quà đến từ Đức Chúa Trời.—Ê-phê-sô 4:8.

17. Để thể hiện lòng tôn trọng, có lẽ một chị đôi khi cần làm gì?

17 Đôi khi không có trưởng lão hay phụ tá để đảm nhận nhiệm vụ nào đó trong hội thánh. Nếu vậy, những anh đã báp-têm khác có thể trợ giúp. Nhưng nếu cũng không có các anh thì một chị có lẽ cần đảm nhận nhiệm vụ mà thường được giao cho một anh đã báp-têm. Trong trường hợp đó, chị cần trùm đầu, có thể là bằng khăn hoặc mũ (1 Cô-rinh-tô 11:3-10). Khi làm thế, chị cho thấy mình tôn trọng sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về quyền làm đầu, cả trong gia đình lẫn trong hội thánh.—Xin xem Phụ lục 15.

TÔN TRỌNG QUYỀN HÀNH CỦA CÁC BẬC CẦM QUYỀN

18, 19. (a) Chúng ta học được gì từ Rô-ma 13:1-7? (b) Chúng ta thể hiện lòng tôn trọng đối với chính quyền qua cách nào?

18 Ngày nay, Đức Giê-hô-va cho phép các bậc cầm quyền có một số quyền hạn nhất định, và chúng ta nên tôn trọng họ. Họ tổ chức và giúp cho đất nước và cộng đồng được hoạt động trôi chảy, đồng thời cung cấp những dịch vụ cần thiết cho người dân. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô vâng theo chỉ dẫn nơi Rô-ma 13:1-7. (Đọc). Chúng ta tôn trọng “các bậc cầm quyền” và tuân theo luật pháp của quốc gia hoặc cộng đồng nơi mình sinh sống. Những điều luật này có thể liên quan đến gia đình, công việc kinh doanh hoặc tài sản của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta nộp thuế và cung cấp những thông tin mà chính quyền yêu cầu. Nhưng nói sao nếu chính quyền đòi hỏi chúng ta làm một điều trái với luật pháp của Đức Chúa Trời? Sứ đồ Phi-e-rơ nói: ‘Chúng ta phải vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời loài người’.—Công vụ 5:28, 29.

19 Khi tiếp xúc với viên chức chính quyền, như quan tòa hoặc cảnh sát, chúng ta luôn muốn thể hiện lòng tôn trọng với họ. Các tín đồ trẻ nên tôn trọng thầy cô và những nhân viên khác trong trường. Tại nơi làm việc, chúng ta tôn trọng chủ, ngay cả khi những nhân viên khác không làm thế. Khi làm vậy, chúng ta đang bắt chước sứ đồ Phao-lô, người đã tôn trọng chính quyền ngay cả khi không dễ (Công vụ 26:2, 25). Thậm chí nếu bị người khác đối xử không tốt, chúng ta vẫn biểu lộ lòng tôn trọng với họ.—Đọc Rô-ma 12:17, 18; 1 Phi-e-rơ 3:15.

20, 21. Việc tôn trọng người khác có thể mang lại kết quả nào?

20 Trên khắp thế giới, người ta ngày càng thiếu tôn trọng lẫn nhau. Nhưng dân Đức Giê-hô-va thì khác. Chúng ta muốn tôn trọng tất cả mọi người. Chúng ta làm theo chỉ dẫn sau của sứ đồ Phi-e-rơ: “Hãy tôn trọng mọi loại người” (1 Phi-e-rơ 2:17). Khi chúng ta thể hiện lòng tôn trọng thì người khác sẽ nhận thấy. Chúa Giê-su khuyên chúng ta: “Hãy chiếu ánh sáng của anh em trước mặt người ta, hầu cho họ thấy việc tốt lành của anh em và tôn vinh Cha trên trời”.—Ma-thi-ơ 5:16.

21 Khi chúng ta thể hiện lòng tôn trọng trong gia đình, trong hội thánh và trong các lĩnh vực khác của đời sống, gương của chúng ta có thể khiến người khác muốn tìm hiểu thêm về Đức Giê-hô-va. Ngoài ra qua việc tôn trọng người khác, chúng ta cũng cho thấy mình tôn trọng chính Đức Giê-hô-va. Điều này làm Đức Giê-hô-va vui lòng và chứng tỏ chúng ta yêu thương ngài.