Đi đến nội dung

Hy sinh bất vị kỷ dù sức khỏe hạn chế

Hy sinh bất vị kỷ dù sức khỏe hạn chế

 Chị Maria Lúcia, đến từ Brazil, mắc hội chứng Usher, một tình trạng rối loạn di truyền khiến nhiều người bị suy giảm hoặc mất thính lực và dần mất thị lực. Chị bị điếc bẩm sinh và học ngôn ngữ ký hiệu từ nhỏ. Rồi lúc khoảng 30 tuổi, chị bắt đầu mất thị lực. Dù sức khỏe hạn chế, chị Maria Lúcia không cô lập bản thân. Hiện nay chị hơn 70 tuổi và vẫn có một đời sống hạnh phúc, đầy ý nghĩa.

 Chị Maria Lúcia gặp Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 1977, trước khi bắt đầu mất thị lực. Chị cho biết: “Tôi gặp một bạn học cũ là anh Adriano, lúc đó anh mới trở thành Nhân Chứng. Anh chia sẻ với tôi lời hứa của Đức Chúa Trời về một địa đàng trong tương lai, nơi mà tất cả mọi người sẽ có sức khỏe hoàn hảo. Tôi rất ấn tượng về điều anh ấy chia sẻ, nên đã đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh. Không lâu sau, tôi bắt đầu kết hợp với một hội thánh ở Rio de Janeiro. Trong hội thánh đó, có một số buổi nhóm họp được dịch sang ngôn ngữ ký hiệu. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, tôi tiến bộ về thiêng liêng và báp-têm vào tháng 7 năm 1978”.

 Thời gian sau, chị Maria Lúcia chuyển đến một hội thánh mà không có Nhân Chứng nào biết ngôn ngữ ký hiệu. Lúc đầu, điều này là một thử thách vì chị không hiểu những gì được nói trong buổi nhóm họp. Hai chị Nhân Chứng đã giúp đỡ chị ấy. Họ ngồi cùng chị trong buổi nhóm họp và ghi chú về những điều được trình bày. Chị Maria Lúcia nói: “Ở nhà, tôi có thể đọc đi đọc lại những ghi chú đó, nhờ thế hiểu được chương trình. Sau này, hai chị ấy đã học ngôn ngữ ký hiệu và phiên dịch cho tôi”.

 Khi thị lực bị suy giảm nghiêm trọng, chị Maria Lúcia không còn nhìn thấy các dấu của người phiên dịch. Vì thế, chị bắt đầu sử dụng ngôn ngữ ký hiệu xúc giác để giao tiếp. Ngôn ngữ đó là gì? Chị giải thích: “Tôi đặt tay của mình trên tay của người phiên dịch cho tôi. Nhờ thế, tôi có thể nhận ra các dấu của người phiên dịch”.

 Chị Maria Lúcia rất biết ơn công khó của các chị phiên dịch. Chị cho biết: “Họ là món quà quý đến từ Đức Giê-hô-va. Nhờ sự giúp đỡ của họ, tôi có thể nhận được lợi ích từ các buổi nhóm họp và hội nghị”.

 Chị Maria Lúcia tích cực tham gia thánh chức. Chị dùng ngôn ngữ ký hiệu xúc giác để làm chứng cho người khiếm thính. Họ ngạc nhiên khi thấy chị nỗ lực đem tin mừng đến cho họ. Trong đại dịch COVID-19, chị Maria Lúcia viết rất nhiều lá thư cho người khiếm thính với sự trợ giúp của em trai là José Antônio, cũng bị điếc và mù. a

 Chị viết bằng cách nào? Chị cho biết: “Tôi dùng một miếng nhựa dẹt hình chữ L. Nó giúp tôi viết thẳng hàng và thành đoạn. José Antônio nhớ rất giỏi. Em ấy sẽ đề nghị dùng chủ đề và câu Kinh Thánh nào, rồi tôi sẽ viết vào thư. Tôi cố viết sao cho người khiếm thính hiểu được. Không phải mọi người khiếm thính đều quen thuộc với ngôn ngữ viết”.

 Dù hiện nay bị mù hoàn toàn, nhưng chị Maria Lúcia vẫn rất siêng năng. Một người phiên dịch của chị là chị Karoline nói: “Chị Maria Lúcia tự làm hết việc nhà và giữ cho nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Chị rất thích nấu ăn và mời bạn bè dùng bữa”.

 Anh Jefferson, một trưởng lão trong hội thánh của chị Maria Lúcia, nói thêm: “Chị Maria Lúcia yêu thương Đức Giê-hô-va sâu đậm và rất yêu thương người khác. Chị luôn làm điều mang lại lợi ích cho người khác. Chị có tinh thần hy sinh bất vị kỷ”.​—Phi-líp 2:4.

a Anh José Antônio trở thành Nhân Chứng sau chị Maria Lúcia và báp-têm năm 2003. Giống như chị ấy, anh bị điếc bẩm sinh và cuối cùng bị mù hoàn toàn.