Đi đến nội dung

Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không tổ chức sinh nhật?

Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không tổ chức sinh nhật?

 Nhân Chứng Giê-hô-va không tổ chức sinh nhật vì họ tin rằng thực hành này không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Dù Kinh Thánh không có điều luật rõ ràng cấm ăn mừng sinh nhật nhưng sách này giúp chúng ta lý luận dựa trên quan điểm của Đức Chúa Trời về một số đặc điểm chính của thực hành này. Hãy xem xét bốn khía cạnh sau và những nguyên tắc Kinh Thánh liên quan.

  1.   Sinh nhật có nguồn gốc ngoại giáo. Theo một từ điển về truyền thuyết và thần thoại (Funk & Wagnalls Standard Dictionary of Folklore, Mythology, and Legend), thực hành này bắt nguồn từ niềm tin cho rằng vào ngày sinh nhật của một người, “ma quỷ và các thế lực xấu có cơ hội tấn công người đó” và “sự hiện diện của bạn bè cùng những lời chúc tốt lành của họ sẽ bảo vệ người ấy”. Sách nói về truyền thuyết sinh nhật (The Lore of Birthdays) cho biết là vào thời xưa, chi tiết về ngày sinh “rất quan trọng để tính tử vi” dựa vào “môn khoa học chiêm tinh huyền bí”. Sách này nói thêm: “Theo quan niệm dân gian, nến sinh nhật có phép thuật thần kỳ để thực hiện các điều ước”.

     Tuy nhiên, Kinh Thánh lên án việc sử dụng phép thuật, bói toán, ma thuật hay “bất cứ điều gì giống vậy” (Phục truyền luật lệ 18:14; Ga-la-ti 5:19-21). Thật vậy, một lý do Đức Chúa Trời kết án thành Ba-by-lôn xưa là vì cư dân thành này thực hành thuật chiêm tinh, một hình thức của bói toán (Ê-sai 47:11-15). Nhân Chứng Giê-hô-va không xét nét nguồn gốc của mọi phong tục nhưng chúng tôi không thể lờ đi những chỉ dẫn rõ ràng như thế trong Kinh Thánh.

  2.   Tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu không ăn mừng sinh nhật. Một bách khoa từ điển (World Book Encyclopedia) viết: “Họ xem việc ăn mừng sinh nhật của bất cứ ai là phong tục ngoại giáo”. Kinh Thánh cho thấy tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên theo sát khuôn mẫu được thiết lập bởi các sứ đồ và những người được Chúa Giê-su trực tiếp dạy dỗ.​—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6.

  3.   Tín đồ đạo Đấng Ki-tô được lệnh kỷ niệm một ngày duy nhất, nhưng không phải ngày sinh của Chúa Giê-su mà là ngày ngài hy sinh mạng sống (Lu-ca 22:17-20). Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì Kinh Thánh nói “ngày chết thì hơn ngày sinh” (Truyền đạo 7:1). Vào cuối cuộc đời ở trên đất, Chúa Giê-su đã tạo được danh tiếng tốt trước mắt Đức Chúa Trời. Do đó, ngày chết của ngài quan trọng hơn ngày sinh.​—Hê-bơ-rơ 1:4.

  4.   Không chỗ nào trong Kinh Thánh ghi lại việc tôi tớ của Đức Chúa Trời tổ chức sinh nhật. Đây không phải là một thiếu sót vì Kinh Thánh tường thuật lại tiệc sinh nhật của hai người không thờ phượng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trong cả hai buổi tiệc đó đều có chuyện xấu xảy ra.​—Sáng thế 40:20-22; Mác 6:21-29.

Con cái của những gia đình Nhân Chứng có cảm thấy bị thiệt thòi vì không được tổ chức sinh nhật không?

 Như bao bậc cha mẹ khác, Nhân Chứng Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương với con trong suốt năm, bao gồm việc tặng quà và dành thời gian quây quần vui vẻ bên nhau. Họ cố gắng noi theo gương mẫu hoàn hảo của Đức Chúa Trời, đấng luôn sẵn lòng ban cho con cái những điều tốt (Ma-thi-ơ 7:11). Con cái có cha mẹ là Nhân Chứng không hề cảm thấy thiệt thòi, như những lời phát biểu sau cho thấy:

  •   “Cháu thấy vui hơn khi được nhận quà vào lúc không ngờ”.​—Tammy, 12 tuổi.

  •   “Dù cháu không được nhận quà sinh nhật, nhưng bố mẹ vẫn mua quà cho cháu vào những dịp khác. Cháu thích thế vì nó làm cháu bất ngờ”.​—Gregory, 11 tuổi.

  •   “Mọi người nghĩ mười phút với vài chiếc bánh ngọt và một bài hát làm nên một buổi tiệc sao? Hãy đến nhà cháu và xem thế nào mới thật sự là một buổi tiệc!”.​—Eric, 6 tuổi.