Đi đến nội dung

Kinh Thánh có dạy rằng ‘đã được cứu là được cứu vĩnh viễn’ không?

Kinh Thánh có dạy rằng ‘đã được cứu là được cứu vĩnh viễn’ không?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Không, Kinh Thánh không dạy ‘đã được cứu là được cứu vĩnh viễn’. Một người đã nhận được sự cứu rỗi qua đức tin nơi Chúa Giê-su Ki-tô có thể mất đức tin cùng sự cứu rỗi. Kinh Thánh nói rằng để giữ được đức tin thì cần nhiều nỗ lực, cần phải “tranh đấu” (Giu-đe 3, 5). Các tín đồ thời ban đầu được khuyên: “Hãy tiếp tục nỗ lực để được cứu rỗi với lòng kính sợ và run rẩy”.​—Phi-líp 2:12.

Những câu Kinh Thánh bác bỏ giáo lý ‘đã được cứu là được cứu vĩnh viễn’

  •   Kinh Thánh cảnh báo nếu ai phạm tội trọng thì sẽ không vào được Nước Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 6:9-11; Ga-la-ti 5:19-21). Vậy nếu cho rằng một người ‘đã được cứu là được cứu vĩnh viễn’ thì những lời cảnh báo như thế sẽ vô nghĩa. Thay vì thế, Kinh Thánh cho thấy rằng một người đã được cứu có thể đánh mất sự cứu rỗi khi quay trở lại đường lối phạm tội trọng. Ví dụ, Hê-bơ-rơ 10:26 nói: “Nếu chúng ta đã tiếp nhận sự hiểu biết chính xác về sự thật mà vẫn cố tình bước đi trong tội lỗi thì không còn lễ vật nào để chuộc tội nữa”.​—Hê-bơ-rơ 6:4-6; 2 Phi-e-rơ 2:20-22.

  •   Chúa Giê-su nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ đức tin qua một minh họa, trong đó ngài ví mình như một cây nho và các môn đồ là nhánh cây. Một số môn đồ có thể cho thấy đức tin nơi ngài qua những bông trái, tức hành động của họ, nhưng sau đó lại không sinh trái và “như nhánh cây bị quăng ra ngoài”, nên mất đi sự cứu rỗi (Giăng 15:1-6). Sứ đồ Phao-lô cũng dùng minh họa tương tự. Ông nói rằng những tín đồ nào không giữ được đức tin “sẽ bị chặt đi”.​—Rô-ma 11:17-22.

  •   Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô được lệnh “hãy luôn thức canh” (Ma-thi-ơ 24:42; 25:13). Những ai ngủ về thiêng liêng, tức có “những việc làm thuộc về bóng tối” hay không làm theo đầy đủ mệnh lệnh của Chúa Giê-su, sẽ đánh mất sự cứu rỗi.​—Rô-ma 13:11-13; Khải huyền 3:1-3.

  •   Nhiều câu Kinh Thánh cho thấy những ai đã được cứu vẫn phải trung thành chịu đựng cho đến cuối cùng (Ma-thi-ơ 24:13; Hê-bơ-rơ 10:36; 12:2, 3; Khải huyền 2:10). Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất tỏ ra vui mừng khi biết anh em đồng đạo đang kiên trì chịu đựng trong đức tin (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:2, 3; 3 Giăng 3, 4). Nếu những người không cần chịu đựng vẫn sẽ được cứu thì có hợp lý không khi Kinh Thánh lại nhấn mạnh sự trung thành chịu đựng?

  •   Chỉ đến khi biết mình sắp chết, sứ đồ Phao-lô mới cảm nhận rằng sự cứu rỗi của ông đã được đảm bảo (2 Ti-mô-thê 4:6-8). Trước kia, ông thừa nhận mình vẫn có thể đánh mất sự cứu rỗi nếu chiều theo ham muốn xác thịt. Ông viết: “Nhưng tôi kiềm chế bản thân và bắt nó phải phục như nô lệ, kẻo sau khi tôi rao giảng cho người khác mà chính mình không được Đức Chúa Trời chấp nhận”.​—1 Cô-rinh-tô 9:27; Phi-líp 3:12-14.